4 điều quan trọng cần dạy trẻ trong năm đầu tiên

Chia sẻ kinh nghiệm từ “chị bé” rất thân thiết với nhà mình 😀  là một bà mẹ có 2 con nhỏ rất đáng yêu 😉  về 10 điều quan trọng cần lưu ý khi dạy trẻ nhỏ. Chị em cứ tham khảo cho vui 🙂  cái nào thấy hay thì cứ nhặt lấy.

Phần 1: 4 điều cần tập cho trẻ trong năm đầu tiên

1. Tập trẻ tự nằm chơi không quấy khóc đòi bế

Trẻ nhỏ sau 1 tháng là bắt đầu biết nhận thức dần về việc đòi bế ngay sau khi thức. Sang tháng thứ 3 càng có nhu cầu đòi bế trên tay nhiều hơn. Nếu không tập trẻ tự nằm chơi một mình khi thức sẽ khiến con quen được bế và sẽ mất nhiều thời gian trong trẻ hơn. Dù nhà có người giúp việc cũng vậy, không nên bế trẻ suốt ngày, trẻ sẽ bị quen hơi và sau này cũng bị hạn chế trong việc tập con tính tự lập từ bé.

Từ tháng thứ 3 trẻ đã hiểu được các sự việc thường xuyên xảy ra và lập lại trong sinh hoạt hàng ngày. Có thể nhận biết rõ tiếng của bố mẹ. Giai đoạn này cần tập trung vào việc dạy trẻ biết tự nằm chơi một mình không khóc lóc đòi bế. Khi trẻ khóc bố mẹ không nên bế ngay, trẻ có khóc cứ để cho khóc thoải mái 10 hay 20p hoàn toàn không đáng lo, khóc cho hệ hô hấp được kích thích càng nở phổi và giúp hệ hô hấp phát triển tốt hơn (sau giai đoạn bào thai, trong 6 tháng đầu ở trẻ sau khi sinh là giai đoạn các phế nang ở phổi phát triển các tế bào mới, sinh ra nhánh phế nang mới với tốc độ rất cao).

Cứ để bé khóc nếu bé đòi mẹ bế (Ảnh internet)

Nhiều lúc con gái mình khóc 20 phút đòi bế mẹ cũng cho khóc khan tiếng luôn, vài lần là chịu nằm chơi một mình từ 30-40p cho mẹ làm việc nhà. Tuy nhiên, khi để trẻ nằm chơi một mình cần cho trẻ nhận biết được bóng của mẹ hoặc người thân quen chăm sóc trẻ hàng ngày đang ở gần bên với trẻ, để con không lo sợ quá mức. Như là khi trẻ khóc toáng lên thì mẹ tới gần vỗ mông cho vài cái rồi tiếp tục làm việc gần đó cho con thấy được. Trong lúc làm việc khác mẹ có thể thỉnh thoảng kêu tên và nói chuyện ê a với con cho trẻ yên tâm.

P/s: Muốn tập trẻ tự nằm chơi, ngồi trong cũi chơi một mình cần quán triệt tinh thần mới được 🙂 bố nó hay ông bà có xót ruột đòi vào bế thì mẹ cũng nên cương quyết không cho vài lần thì trẻ mới quen dần sau đó tự chơi một mình.

Ngoài ra, sang tháng thứ 3 chị bé còn tập con nhìn màu sắc nhiều hơn, treo lủng lẳng trên đầu cái cũi vài món đồ chơi nhỏ chừng 4-5 màu thật sặc sỡ giúp con phân biệt màu sắc tốt hơn còn có cái để nhìn đỡ buồn khi nằm chơi một mình.

Trẻ khi bắt đầu sang tháng thứ 3 thông thường chưa biết lẫy, tầm 3 tháng đến 4 tháng là giai đoạn trẻ tập lẫy, với trẻ biết lẫy sớm trong giai đoạn 2-3 tháng cũng không cần lo lắng khi tập con nằm 1 mình, khi trẻ biết lẫy sớm nghĩa là con cứng cáp và có thể tự biết ngóc đầu lên hay xoay mặt sang một bên không sợ bị ngạt. Chỉ cần không để chăn gối quanh người con khi tập con nằm một mình là an toàn.

2. Tập trẻ biết cần nắm

Không nhớ được chính xác là thời gian nào, tầm 3 tháng là chị bé tập dần cho con cầm nắm các món đồ chơi thật nhẹ có màu sắc sặc sỡ và chọn loại đồ chơi an toàn vì trẻ lúc này cái gì cũng cho vào miệng để ngậm.
Tập cho con biết với, biết đòi khi mẹ đưa món gì nổi bật trước mặt là nàng ta khoái quá giơ tay ra giành lấy, nhưng mẹ không cho và đưa ra xa hơn một tí cho con với ra đòi (lúc con đang nằm chơi hay người khác bế).

Tập cho trẻ với các món đồ vật muốn lấy (Ảnh internet)

Việc này sẽ kích thích sự vận động có nhận thức ở trẻ, giúp trẻ nhạy bén hơn. Ngoài ra, khi tập trẻ cầm nắm nên để ý tập cho trẻ quen cần và cầm vững ở tay phải, hạn chế việc trẻ cầm cả 2 tay sau đó chỉ cầm bằng tay trái (nếu có cần lưu ý để sửa ngay cho trẻ).

3. Tập trẻ lắng nghe và hiểu sự việc

Việc này rất dễ, tập trẻ lắng nghe âm thanh của bố mẹ, ông bà, những người thân trong nhà, nghe nhạc giúp trẻ phát triển các giác quan toàn diện. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có sự cảm nhận tốt nhất và yêu thích giọng nói của người mẹ một cách đặc biệt. Nên những gì mẹ dạy trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, tiếp thu nhanh hơn từ những tháng đầu đời. Mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con khi ở riêng với trẻ, khi cho trẻ bú, khi nằm bên cạnh con, khi tắm cho con, …

Tập cho bé nghe nhạc để bé quen dần âm thanh (Ảnh internet)

Khi con được 5 – 6 tháng, mẹ nên tập cho con nghe nhạc mỗi ngày, mỗi lần chừng 20 tới 30 phút. Chọn những bài nhạc có giai điệu nhẹ nhàng hay là nhạc hòa tấu êm dịu, chọn mua các loại nhạc dành cho trẻ dưới 1 tuổi, trẻ nghe quen rồi mới tập cho trẻ nhạc thiếu nhi với nhiều âm thanh vui nhộn hơn.

4. Tập trẻ biết “XIN PHÉP” bằng ánh mắt (chưa biết nói mà)

Sao là xin phép bằng ánh mắt?
Đó là tập cho trẻ có thói quen “khi làm hay muốn gì đó phải tập nhìn vào mắt bố mẹ, người lớn để hỏi/dò ý xem có được phép lấy, được phép làm hay không”

Phải nhìn người lớn để xem thái độ của bố mẹ, ông bà làm sao? Chính ánh mắt và biểu hiện của người lớn, bố mẹ sẽ tập cho trẻ nhận biết có được phép hay không? Khi nào được người lớn gật đầu cho lấy, mang đưa cho thì trẻ mới được phép lấy hay làm.

Dù chưa biết nói cũng nên tập bé xin phép thông qua ánh mắt (Ảnh internet)

Do đó, cách bố mẹ dạy con ngay trong năm đầu tiên rất quan trọng. Giúp trẻ có ý thức và thói quen tốt từ rất nhỏ, sẽ nhận ra và hiểu được sao là “thái độ đồng ý” sao là “thái độ không hài lòng, không được phép” ở người lớn để không vi phạm.

Chẳng có đứa trẻ nào mới đẻ ra, mới có sự nhận biết mà tự nhiên đổ lì cả. Trẻ đổ lì, không lễ phép, không vâng lời, hay ăn vạ. Tất cả là do thái độ ứng xử hàng ngày của người lớn làm hỏng tính cách của trẻ.

Nhiều gia đình chiều chuộng trẻ hết mực, tới lúc trẻ không nghe lời quen thói đòi gì được nấy, không được thì ăn vạ, lúc ấy lại than là con cháu nó lì không nói được. Trẻ mới có tí tuổi đầu đã không dạy không uống cho vào nếp được lấy gì mà mong là lớn hơn sẽ dạy dỗ nên người? Lớn hơn đứa bé ấy sẽ không coi bố mẹ ông bà ra gì vì “nó” biết rõ đã “nắm thóp” được yếu điểm của người lớn trong nhà đó là chẳng dám làm gì mình lấy gì mà không sinh hư hay ăn vạ?

Điều cần thiết trong việc dạy trẻ đó là: Muốn dạy trẻ bất cứ việc gì trước tiên cần dạy cho trẻ “biết sợ và biết xin phép” rồi mới có thể dạy được những việc khác. Khi trẻ không sợ, làm gì tự ý thì dạy dỗ cách nào được?
Muốn dạy trẻ có tính ngăn nắp, tự lập trong sinh hoạt hàng ngày.
Dạy con biết vâng lời ngoan ngoãn, lễ phép, biết kính trên nhường dưới. Trước tiên hãy dạy trẻ biết sợ bố mẹ ông bà. Trẻ biết sợ thì mới chịu lắng nghe để được dạy phân biệt đâu là đúng là sai, cái gì nên làm cái gì không? Việc nào là ngoan việc nào cần phải xin lỗi.

Muốn dạy cho trẻ biết sợ, cần phải nghiêm khắc không thỏa hiệp, không dạy nữa vời, chưa răn được trẻ đã ôm ấp vỗ về

Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng .

Trẻ con là tờ giấy trắng, chẳng có đứa con nít nào mới sinh ra đã biết phân biệt sự việc cả. VIẾT lên tờ giấy trắng ấy như thế nào là do mẹ cầm tay con để viết. Nhỡ mà viết có SAI thì mẹ cũng là người hướng dẫn con BÔI TẨY để viết lại cho đúng. Muốn tránh việc bôi xóa quá nhiều khiến cho tờ giấy ấy nhơ nhớp hay rách nát thì MẸ phải cầm tay con chỉ việc từ khi con mới biết nghe biết nói, như chị BKLN nói nói trong bài “Dạy con cám ơn khi nào?”

Chính mẹ phải là người LÀM MẪU cho con về cách sống, về cách hành xử, lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, ăn uống, …, sao cho nó phải phép, lịch sự có văn hóa. Chính các điều ấy nó thể hiện tính cách của một người và TÍNH CÁCH ẤY NÓ TỪ THÓI QUEN tạo thành

Người mẹ là tấm gương để trẻ noi theo (Ảnh internet)

Nhắc lại câu nói của nhà PHẬT:
“Gieo hành vi gặt thói quen
Gieo thói quen gặt tính cách
Gieo tính cách gặt số phận!”
“SỐ PHẬN LÀ DO CON NGƯỜI TẠO NÊN!”

Do con người nhìn nhận, suy nghĩ, xử trí, ứng phó, thấu hiểu và hành động thế nào với các sự việc xảy ra.

Một đứa trẻ dưới 18 tuổi – người mẹ hoàn toàn có thể uống nắn được. Và phải uống nắn con, dạy dỗ con từ khi con mới vài tháng tuổi chứ đừng có để đến 5-6 tuổi hay 9-10 tuổi mới lo dạy rồi than dạy không dạy được hay là tại nó nhiễm thói hư tật xấu khi đi học, do hàng xóm hay môi trường, …
Có nhiễm thói hư bên ngoài thì bố mẹ cũng chính là người phải dạy lại con mình cải thiện cho bằng được, phải dạy và thay đổi con. Vì tương lai và số phận của con cái chính là do tính cách của chúng tạo nên. Điều ấy phụ thuộc vào sự dạy bảo của bố mẹ. Cái câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính” không còn thích hợp với thời buổi hiện đại ngày nay nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *