Các mốc khám thai và các xét nghiệm quan trọng mẹ bầu nào cũng phải biết

Dưới đây là các mốc khám thai và các xét nghiệm quan trọng – mẹ bầu nào cũng phải biết để đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của thai nhi và sự an toàn của 2 mẹ con. 

Khám thai cần thiết được thực hiện theo suốt chu kì. Theo quy định của Bộ y tế khi mang thai người mẹ cần phải khám thai ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên, khám đầy đủ thì phải là 09 lần để bám sát theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi.

Mẹ bầu cần thực hiện các giai đoạn khám thai định kỳ theo từng bước phát triển của thai kỳ, nhằm mục đích:

– Kiểm tra vị trí và tốc độ các giai đoạn phát triển của thai nhi.
– Kiểm tra các dị tật thai nhi
– Dự đoán ngày sinh
– Kiểm tra các vấn đề như thai ngoài tử cung, thai nhi nằm bình thường hay là ngược sau tuần 38.

Khám thai giúp các mẹ bầu nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, cũng như sự phát triển của thai nhi, biết rõ ở từng thời điểm em bé của mình cần gì,..tuy nhiên, có nhiều bà mẹ chủ quan cho rằng có thể thực hiện vào thời điểm khám thai nào cũng được. Cách nghĩ này hoàn toàn sai lầm bởi, có những dị tật chỉ được phát hiện qua siêu âm vào một thời điểm nhất định của thai kỳ, và nếu khám thai dị tật có thể trở nên nặng hơn do người mẹ không chú ý đến ăn uống, luyện tập và sinh hoạt điều độ. Khi đó tuổi thai cũng đã trễ để thực hiện đình chỉ thai nghén. Điều này sẽ gây ra cho em bé rất nhiều thiệt thòi khi chào đời,…dưới đây là 7 là cột mốc khám thai theo những tuần khám thai quan trọng mà các mẹ bầu cần thực hiện trong thời kỳ mang thai:

1. LẦN KHÁM ĐẦU TIÊN: Sau khi trễ kinh và đã thử que lên 2 vạch

Sau khi trễ kinh và thử que lên hai vạch, mẹ bầu nên đi khám thai ngay để kiểm tra thai nhi được bao nhiêu tuần tuổi. Bác sĩ sẽ căn cứ vào ngày đầu của chu kỳ kinh để xác định tuổi của thai nhi. Tuy nhiên với một số phụ nữ kinh nguyệt không đều thì thường tuổi thai sẽ được dựa vào kết quả của siêu âm. Đặc biệt là khi siêu âm ở thời điểm 11 – 12 tuần thì việc tính tuổi thai sẽ cực chính xác dựa vào các chỉ số của thai nhi. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ dự đoán ngày sinh.

Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm 2D để kiểm tra thai xem thai nhi nằm trong hay ngoài tử cung. Trong trường hợp bạn thử que đã lên hai vạch, bác sĩ siêu âm đã thấy túi thai trong tử cung nhưng chưa thấy tim thai thì bạn cũng không phải quá lo lắng vì thai còn quá bé, thường bác sĩ sẽ hẹn ngày để bạn khám lại vì từ 7- 8 tuần tim thai sẽ có rõ.

Ngoài ra, trong lần khám này các bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý của mẹ kèm theo như tim sản, tiểu đường, cao huyết áp…và tư vấn cho các bà bầu nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ sớm, cách điều trị, cách thức dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo.

CHÚ Ý: Mẹ bầu nên đưa ra những thắc mắc của bản thân cũng như cung cấp những thông tin cần thiết tiền sử về bệnh của gia đình, những loại thuốc đã dùng trước đấy để bác sĩ nắm rõ.

Đi khám lần đầu sau khi trễ kinh và thử que lên 2 vạch

2. LẦN KHÁM THỨ 2: Tuần 11-12 thai kì, siêu âm 4D, đo độ mờ da gáy

Cần thực hiện vào giữa các tuần khám thai 11-12. Đây là một trong các cột mốc siêu âm thai quan trọng. Các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm thai 4D để tính ngày thụ thai chính xác, tính tuổi thai và dự đoán ngày sinh, thời điểm này cho phép dự đoán ngày sinh chính xác nhất. Đồng thời, đây là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy, giúp dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể nguy hiểm như bệnh down, dị dạng tim, thoát vị cơ hoành,…Trong các mốc khám thai cần thiết thì khám thai tuần 11-12 có thể phát hiện một số dị tật thai nhi khác khác như : thai vô sọ, khe hở thành bụng, không xương mũi,… Dựa vào kết quả siêu âm bác sĩ sẽ có những tư vấn tiếp theo.

CHÚ Ý: Nếu bạn bỏ lỡ thời gian khám thai này thì khi bước quá tuần 13, các chỉ số này sẽ không chính xác, không có giá trị chẩn đoán nữa.


Khám thai lần 2 khi được 11-12 tuần và đo độ mờ da gáy

3. LẦN KHÁM THỨ 3: tuần 16 thai kì, xét nghiệm Triple Test
Thời điểm siêu âm thai định kỳ này là vào khoảng tuần 16 của thai kỳ, các mẹ bầu sẽ được thăm khám thực thể và theo dõi bước phát triển của thai nhi. Đây là một trong các tuần siêu âm thai quan trọng không thể bỏ qua.

Căn cứ vào quá trình theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của bà mẹ, có thể phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung, từ đó có chế độ chăm sóc phù hợp cho bà bầu như chế độ dinh dưỡng, biện pháp điều trị cần thiết.

XÉT NGHIỆM Triple Test:

Tuần thai thứ 16 – 17. Bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện xét nghiệm Triple Test, kết quả sẽ chính xác nhất khi được thực hiện trong khoảng thời gian này. Triple là bộ 3 xét nghiệm tầm soát sử dụng máu của mẹ để tìm ra các nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi gồm chất là AFP (loại protein do thai sản xuất), hCG (loại nội tiết do nhau thai sản xuất) và Estriol (là loại nội tiết estrogen được nhau thai và thai nhi sản xuất). Xét nghiệm này không phải là chẩn đoán tình trạng thai mà chỉ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể và có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa không.

Khám thai tuần 16 và xét nghiệm Triple Test

4. LẦN KHÁM THỨ 4: tuần 22-23 thai kì, siêu âm 4D phát hiện dị tật. Tiêm phòng uốn ván cho mẹ bầu

Được thực hiện vào tuần 22 – 23, đây là một trong các giai đoạn khám thai quan trọng, trong giai đoạn này các bác sĩ tiến hành thăm khám và siêu âm hình thể của thai nhi nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường của thai nhi (nếu có). Đây một trong các mốc siêu âm 4D để phát hiện những bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Do đó đây là một trong các mốc cần siêu âm thai kỹ càng cần được lưu ý.

Đây cũng là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp như: khâu vòng cổ tử cung ở những bà mẹ bị hở eo tử cung, phẫu thuật bóc hoặc cắt khối u buồng trứng ở những bà mẹ có khối u buồng trứng,..mà không lo ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, không làm cho sinh non.

Khám thai lần thứ 4 này là một trong những mốc quan trọng cần siêu âm thai, vì tất cả các dị tật đều có biểu hiện ở thời điểm này và nếu cần đình chỉ thai nghén thì phải tiến hành trước tuần thứ 28.

CHÚ Ý: Tiêm phòng uốn ván:

– Với mẹ bầu mang thai lần đầu chưa tiêm phòng uốn ván bao giờ: Cần tiêm 2 mũi: Mũi 1 vào tháng thứ 5 hoặc 6 của thai kì, mũi thứ 2 sau đó 1 tháng. Nếu mẹ bầu nào tiêm mũi thứ 2 muộn thì nên tiêm trước khi dự kiến sinh ít nhất 1 tháng.

– Với mẹ bầu mang thai lần 2, lần mang thai trước đã tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi, thời gian chưa quá 10 năm: cần tiêm bổ sung thêm 1 mũi nữa gọi là mũi thứ 3.

– Với mẹ bầu mang thai lần 3 trở đi, lần tiêm uốn ván trước không quá 10 năm: Không cần tiêm thêm.

Bà bầu cần tiêm phòng uốn ván đầy đủ trong thai kỳ

5. LẦN KHÁM THỨ 5: tuần 26 thai kì

Lần siêu âm này rất quan trọng mà các sản phụ không nên bỏ qua. Bởi có một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và cấu trúc não có thể được phát hiện. Ngoài ra, khám thai cho bà bầu vào thời điểm này cũng giúp nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung, vốn là nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau đẻ.

Dị tật được phát hiện trong thời điểm này dù không thể can thiệp, nhưng sẽ giúp sản phụ và người nhà chuẩn bị trước cách ứng phó phù hợp trước sinh: chọn nơi sinh, phương pháp sinh và chuẩn bị cho việc chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ kịp thời sau đó.

6. LẦN KHÁM THỨ 6: tuần thai 31-32:chẩn đoán ngôi thai, định hướng phương pháp sinh.

Khám thai lần 6 ở tuần 31 đến 32, trong lần khám này, người mẹ sẽ được tiêm mũi uốn ván lần 2. Khám thai 3 tháng cuối là lúc các bà mẹ sắp sinh, khám thai vào thời điểm này là để chẩn đoán ngôi thai, nhận biết sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ… từ đó có thể tư vấn người mẹ chọn phương pháp sinh, những nguy cơ có thể gặp phải khi sinh.

7. LẦN KHÁM THỨ 7: tuần 36 thai kì

Sang tuần 36 của thai kỳ, sản phụ bắt buộc phải đi khám theo dõi. Trong lần khám này giúp các mẹ tiên lượng về phương pháp sinh: sinh thường hay phải mổ đẻ

Lần khám thứ 7 này có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài xác định phương pháp sinh, ngoài ra, tuỳ từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ khám, xét nghiệm, siêu âm thêm để theo dõi các biến chứng thai nghén, theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai… trong những tuần cuối cùng của thai kỳ.

Ngoài ra, ở giai đoạn tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu cần thực hiện khám thai thường xuyên, 1 tuần 1 lần, nhằm theo dõi nước ối,. ngôi thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi,..chuẩn bị tốt cho ngày con chào đời.

Tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên

CHÚ Ý VỀ CÁC XÉT NGHIỆM: Tuần 35 – 36, thời gian gần sinh thai phụ sẽ được bác sĩ tiến hành siêu âm theo dõi doppler động mạch não, động mạch tử cung cũng như kiểm tra lượng nước ối, dây rốn… Trong thời gian này, bác sĩ cũng có thể cho bạn làm xét nghiệm Non-stress (xét nghiệm để theo dõi nhịp tim thai đơn thuần mà không cần tạo nên cơn co tử cung) để kiểm tra lượng oxy thai nhi nhận được, kiểm tra sức khoẻ của bé… cũng như tuỳ vào tình hình sức khoẻ thai phụ, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác để sẵn sàng cho ngày lâm bồn. Tuy nhiên một lưu ý là về các xét nghiệm máu cũng như nước tiểu thì thời gian thực hiện sẽ tuỳ thuộc vào bác sĩ theo dõi thai kỳ của mẹ bầu.

– Xét nghiệm máu:
Bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm máu như Xét nhiệm nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu khi sinh nở, phát hiện Rubella, yếu tố Rh (Rh- hay Rh+), hàm lượng sắt (có thiếu máu do thiếu sắt hay không) từ đó bác sĩ sẽ cho bạn bổ sung viên sắt, huyết đồ (kiểm tra thiếu máu, bệnh thalassaemia…). Tất cả những xét nghiệm trên không phải là bắt buộc thực hiện đối với tất cả thai phụ, bác sĩ sẽ tuỳ thuộc tình hình sức khoẻ của thai phụ để có những chỉ định làm các xét nghiệm này. Ngoài ra thường ở tuần thứ 36 trước khi sinh, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm máu thêm một lần nữa để kiểm tra khả năng đông máu trước khi sinh.

– Xét nghiệm nước tiểu:
Xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra sức khoẻ thai phụ đồng thời phát hiện thai phụ có mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu, tiểu đường khi mang thai hay không để phát hiện sớm, điều trị kịp thời thông qua xét nghiệm đo lượng protein trong nước tiểu, Albumin và Nitrite…
—–
LƯU Ý: Đây là các mốc khám thai quan trọng nhất và TỐI THIỂU mẹ bầu nào cũng cần làm. Với trường hợp khi khám thai có những bất thường, mẹ bầu cần theo dõi và khám thai nhiều hơn theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm: “Ưu đãi trọn thai kỳ và mẹ cho con bú. Mẹ khỏe con đủ chất” TẠI ĐÂY

 
Banner-Favim
Banner-BioVital

Các bài viết được quan tâm, xem nhiều nhất:
– Bổ sung nguồn kháng thể và dinh dưỡng vàng cho trẻ từ sữa non giúp trẻ khỏe hơn tăng cân tốt
– Bí quyết vàng giúp trị cảm ho, sổ mũi cho trẻ hết hẳn tại nhà
– 3 Cách cải thiện ngay khi trẻ bú kém, chậm tăng cân, đứng cân
– Cách cải thiện nôn trớ, tiêu chảy, biếng ăn ở trẻ được Bác Sĩ chuyên khoa sản nhi lựa chọn.
– Nhận biết 8 dấu hiệu và 3 giai đoạn còi xương ở trẻ.
– Quá bất ngờ: Bé Thanh Trúc đã tăng gần 10kg và cao thêm 21cm sau hơn 1 năm; bé Anh Tú tăng 2kg và cao thêm 7cm chỉ sau 2 tháng