Con bị biến chứng thậm chí tử vong vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho uống

Dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang gia tăng với những diễn biến phức tạp. Nguy hiểm hơn, khi các bé có dấu hiệu nóng, sốt cao, mệt mỏi, nhiều phụ huynh đã tự mua thuốc cho con sử dụng. Tình trạng này khiến nhiều bệnh nhân biến chứng nặng, phải thở máy, thậm chí tử vong.

Tưởng cảm cúm nên tự mua thuốc điều trị

Nhiều gia đình thấy trẻ bị sốt tưởng rằng cảm cúm đơn thuần, tự mua thuốc cho con uống khiến bệnh tình nặng thêm. Chị Võ Thị Thảo (27 tuổi, ngụ Bình Phước) có con gái 34 tháng tuổi bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết: “Tôi tưởng con cảm cúm nên tự đi mua thuốc hạ sốt cho bé uống nhưng không bớt.

Vài ngày sau, đưa con đi khám bệnh tại BVĐK thị xã Phước Long, bác sĩ cho chuyển viện lên BV Nhi Đồng 2. Hai ngày nay, con tôi vẫn nằm điều trị tại phòng cấp cứu của khoa vì bác sĩ cho biết đây là ca nặng. Gia đình tôi rất lo lắng”.

Ca bệnh tay chân miệng nặng tại phòng cấp cứu, khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi – ảnh Lành Nguyễn.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm-Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh tay chân miệng đã vào mùa. Tại BV Nhi Đồng 1, mỗi ngày khoa Nhiễm –Thần kinh tiếp nhận 50-60 ca đến khám và điều trị. Trong đó, có 20-30 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Trong những trẻ mắc tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1, có 3 ca nặng, 1 ca thở máy.

“Hiện, số lượng ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng đã tăng gấp đôi. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục tăng cho đến tháng 11/2017. Phụ huynh cần phải đề phòng bệnh bằng cách rửa tay sạch sẽ, trước khi về nhà và trước khi chăm sóc trẻ”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Ths bác sĩ Trần Thị Kim Vân, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, hiện tại, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng. Theo đó, mỗi năm có 2 giai đoạn bệnh phát triển nhiều nhất. Đó là giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5. Giai đoạn thứ 2 là từ tháng 9 đến tháng 12. Đây là thời điểm các trẻ đến trường học, việc lây lan bệnh dễ dàng hơn. Từ đó, số ca bệnh tăng nhiều hơn.

“Hiện, bệnh viện có 30 bé điều trị ngoại trú và một số ca bệnh nặng đang nằm ở phòng cấp cứu của khoa Nhiễm. Mỗi ngày bệnh viện ghi nhận từ một đến vài ca bệnh tay chân miệng nặng. Những ca này chưa đến nỗi phải thở máy, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và có lẽ sẽ mau ổn định vì nhập viện kịp thời”, bác sĩ Vân chia sẻ.

Biến chứng có thể gây tử vong

Bác sĩ Vân khẳng định, những ca bệnh tay chân miệng cần phát hiện và điều trị kịp thời. Bởi, bệnh này có những biến chứng về thần kinh như sốt cao, liên tục giật mình, chới với, đi đứng loạng choạng. Nếu gặp biến chứng nặng sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn, tim mạch. Biến chứng nhẹ như nôn ói, tiêu chảy, mất nước, lở miệng, mất nước, vệ sinh không tốt dẫn tới bội nhiễm vi trùng.

Bác sĩ Vân cho biết: “Hiện nay, bệnh tay chân miệng do vi rút tấn công và chưa có vắc xin điều trị, cũng chưa có thuốc đặc trị, mà chỉ điều trị bằng thuốc hỗ trợ. Phụ huynh cần nâng cao ý thức vệ sinh tay chân cho con sạch sẽ, nhất là vệ sinh đồ chơi của trẻ để phòng bệnh. Khi trẻ bị bệnh cần phải cách ly với các trẻ khác để phòng bệnh, vì bệnh dễ lây qua đường hô hấp, nước bọt. Đối với những bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nếu biến chứng nhẹ thì ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, còn biến chứng nặng bệnh nhân phải thở máy, tổn thương não dẫn đến tử vong”.

Ths. bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh và truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, theo số liệu thống kê từ trung tâm Y tế dự phòng, số ca bệnh do tay chân miệng tại TP.HCM tăng so với trước đó. Hai tuần gần nhất, số ca tay chân miệng lên tới 160 ca, tăng 20 ca so với các tuần trước đó. Thời gian tới, học sinh bắt đầu đến trường, nên cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát bệnh để bảo đảm sức khỏe cho các em. Phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, diệt muỗi, loăng quăng để phòng bệnh.

(Theo ĐSPL)

Cách chăm sóc và điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ  Xem tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *