Dạy trẻ ngoan ngãn hay hỗn hào, bất hiếu với bố mẹ chính là từ những điều này!

Muốn dạy con ngoan, lễ phép, có ý thức trước tiên bố mẹ cần làm một người con tốt

Tất nhiên đó là việc đầu tiên cần phải có ở người mẹ nếu mẹ muốn dạy con đàng hoàng và thành người văn minh, lịch sự và biết cư xử. Như là:
– Bố mẹ không nói tục thì trẻ mới không nói bậy.
– Bố mẹ cần ăn nói nhẹ nhàng lịch sự thì trẻ mới có thể học theo.
– Bố mẹ ham học và chăm chỉ mới có thể giúp trẻ học theo, nhìn vào tấm gương ấy mỗi ngày để hình thành nên tính cách của trẻ.
– Bố mẹ phải sống chan hòa, đối nhân xử thế khôn khéo thì con trẻ mới biết học cách yêu thương và chia sẻ.
– Bố mẹ phải biết yêu thương và kính trọng ông bà thì con mới học cách cư xử với bố mẹ của mình y như vậy.

Và còn rất nhiều sự ảnh hưởng trực tiếp từ chính bố mẹ đối với những đứa con của mình. Và người chịu trách nhiệm chính, có vai trò lớn nhất trong việc dạy dỗ trẻ nên người chính là từ người mẹ!

Nếu hỏi là “Vậy còn bố nó đâu? Tại sao bố nó không chịu trách nhiệm dạy con như mẹ?”
Câu trả lời là: Trước tiên mẹ là người sinh ra con thì mẹ cần phải có trách nhiệm với chính đứa con về tất cả chứ đừng có trông chờ hay hy vọng vào ai khác. Mình cứ phải tự chịu trách nhiệm với “sản phẩm” của mình tạo ra đã, dù là “sản phẩm” ấy không có đối tác thì không sản xuất được cũng vậy. 🙂  Đã tự nguyên sinh con thì cần phải chủ động nuôi dạy để dạy dỗ con của mình, nếu vì bất cứ lý do gì mà người mẹ không thể dạy con được hay không có quyền để dạy con nghĩa là bà mẹ ấy “chỉ chủ động sinh chứ không chủ động dưỡng” và chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Đó chính là thất bại của người làm mẹ.

Làm mẹ, nuốn dạy con ngoan ngoãn, lễ phép, biết hiếu thuận với bố mẹ ông bà, thì trước tiên người mẹ phải thể hiện cho con cái thấy mẹ của mình đã làm được điều ấy. Ví dụ như có lần mình đã nghe một cuộc nói chuyện giữa 2 cô mẹ trẻ với nội dung là:
A: Em sợ “ông bả” không chịu đâu, “ổng” còn đỡ chứ nói tới “bả” là em chỉ muốn … chửi thề (nói mẹ chồng)
B: …
A: Còn mẹ em nói cuối tháng lên chơi, “bả” mà lên là hay càm ràm chuyện đó …. (nói mẹ ruột)
B: …..”

Tuy mình không biết bà mẹ chồng và cả bà mẹ ruột ấy thế nào? Nhưng có thế nào thì cách xưng hô của cô con dấu ấy cũng không phù hợp, không lễ phép, đã lấy con người ta đã gọi một tiếng bố mẹ chồng thì cần phải tôn trọng, ít nhất cần thể hiện sự tôn trọng trước mặt người khác, nhất là với con cái của mình. Dù mẹ chồng hay mẹ ruột, có bất công kiểu gì, có sai hay có đối xử tệ với con cái, thì phận làm con cũng không nên cho người khác thấy sự thiếu tôn trọng tối thiểu cần có của một người con.

Như là cách gọi bố mẹ là “ổng” “bả” chứ không phải là “ông bà” có thể người người biện hộ rằng đó chỉ là cách gọi quen miệng chứ vậy đâu có gì là hỗn? Mình cho là cách gọi ấy không nghe lọt lỗ tai chút nào dù gọi sau lưng cũng vậy. Đó là cách nói không văn minh lịch sự và thiếu tôn trọng dành cho bố mẹ. Miền nam rất nhiều người có thói quen gọi bố mẹ là “ổng bả” khiến trẻ nhỏ mới vài tuổi cũng học theo gọi ba mẹ nó y như vậy.

Bố mẹ là người sinh ra mình cần được tôn trọng, và điều ấy thể hiện bằng lời nói với hành động thực tế hàng ngày. Cả bố mẹ chồng cũng vậy. Khi mình yêu chồng nghĩa là phải tôn trọng người đã đẻ ra chồng mình. Có không còn yêu chồng hay không tôn trọng chồng đi nữa, có ly hôn nhau đi nữa, … cũng cần thể thiện sự phải phép với người mình đã từng gọi là bố mẹ. Và đó gọi là cách sống ở người văn minh, lịch sự cần có.

Mẹ lễ phép với ông bà mới có thể dạy con có văn hóa, biết lễ nghĩa! 

Như ở nhà mình, lúc sinh đứa đầu giờ 13 tuổi, khi con 2 tháng, thuê một cô giữ em ở quê lên, lớn hơn mình 4 tuổi. Hay gọi bố mẹ mình là “ổng bả” thế này thế kia, bả này nọ … Những lúc như vậy là mình chỉnh ngay luôn, lần nào cũng nói “chị không nên nói vậy, chị nghĩ đi, con gái chị đã 10 tuổi, nếu nó gặp bạn bè rồi nói mẹ tao bả nói, bả làm, bả ăn, … so với nó nói mẹ mình thích, mẹ mình nói, … thì chị thích con gái mình nói theo cách nào?” Nhiều lần nói như vậy, trong thời gian đầu, lần nào chị ấy cũng cười nói là em kỹ tính quá … Nhưng mình không chịu thua 🙂 nói tiếp cho phải thừa nhận rằng “Tất nhiên là thích nghe con gái nhắc về mẹ với cách gọi là mẹ hơn bằng “bả” chứ”. Nhiều lần như vậy và lần nào mình cũng kết thúc bằng câu “Chị phải sửa thì con chị mới sửa được chứ?”

Cuối cùng, sau 2 năm, nhiều lần chị ấy khoe là chính con gái cũng khen mẹ dạo này về quê thăm nhà nói chuyện với bà nội khác hẳn. Còn con gái chị khi nói đến ông bà nội, đến ba nó cũng không còn kêu là ông bả nữa. Và chị ấy khoe là “chị nói với nó là mợ trên này thường nói vậy nên mẹ thấy hay mẹ sửa …”

Mẹ cần cho con thấy sự tôn trọng bố thì con cái mới có thể tôn trọng cả bố lẫn mẹ

Cách cư xử của người vợ với chồng cũng là tấm gương để trẻ nhìn vào và đánh giá bố mẹ của nó thế nào? Mình đã nghe nhiều mẹ nói về chồng cứ kêu chồng là “thằng”, là “nó”, cứ lo tố là chồng mình tệ chồng mình dở trước mặt bao nhiêu người nhưng không thấy ngại, không nghĩ người nghe sẽ đánh giá tư cách và sự văn minh, cách sống của mình qua những việc ấy. Nói về chồng như thế thì cô vợ cũng có hơn gì đâu với cái kiểu nói chói tai vậy? Chồng mà kêu bằng “nó” bằng “thằng” thì lấy làm gì? Ở với nhau mà chẳng tôn trọng nhau thì ở làm gì cho ảnh hưởng đến cả cách suy nghĩ và cách sống của đứa con?
Đó là hại con! Chứ có phải cố sống với nhau vì con, rồi mạt sát nhau, chửi bới nhau, nặng nhẹ nhau mà tốt cho con cái.

Còn bảo đó là thói quen thì đó là thói quen xấu, là cách nói không có văn hóa và làm hạ thấp tư cách của người nói cần từ bỏ để tránh tiêm nhiễm cho chính con của mình.

Dạy con bằng trách nhiệm tuyệt đối của một người mẹ mà không ai thay thế được

Làm mẹ nên hiểu và nghĩ như vậy mới thấy được tầm quan trọng và sự ảnh hưởng cực lớn của người mẹ với con cái. Như khi mình đăng bài “Con hư tại mẹ” đã có nhiều mẹ vào nói “còn bố nó đâu” hay “ông bà khó thì sao?”.

Có mẹ nói: “Cứ nói con hư tại mẹ. Vậy khi mẹ dạy con mà ông bà không cho dạy vì bênh cháu, bố cũng bênh. Không lẽ dạy kiểu vỗ mặt à. Vậy khi chị sống chung với ông bà khó tính mà bênh con chiều cháu đi, chị sẽ biết.”

Nói thẳng, mình cho rằng đó cũng là lỗi của mẹ! Trẻ có được chọn quyền chui ra từ bà mẹ này hay bà mẹ khác đâu? Đó là do mẹ, mẹ không đủ can đảm để có chính kiến của mình, không có tiếng nói của mình, sinh con nhưng không có quyền dạy con nghĩa là mẹ đang có cuộc sống lệ thuộc. Mẹ không dám phản đối dù là biết việc ấy sai, không dám bảo vệ và lên tiếng để khẳng định quyền hạn với chính đứa con mình đã sinh ra và để thừa do ông bà là do lỗi của mẹ. Cũng đừng đánh đồng cái dở của mình với suy nghĩ ai ở với bố mẹ chồng đều không thể dạy con cái ngoan ngoãn, lễ phép được. Hàng ngàn nàng dâu ở cùng nhà chồng rất có tiếng nói và hoàn toàn chủ động việc dạy dỗ con cái.

Mình đã nhiều lần đã nói về việc “Trong cuộc sống, hơn thua nhau là ở chỗ khả năng nhìn nhận và xử lý vấn đề thế nào chứ không phải là vấn đề ấy khó khăn đến mức nào?”. Một người mẹ rơi vào tình cảnh như vậy mà có suy nghĩ là không thể để ông bà làm hư cháu phải can thiệp bằng mọi cách, chắc chắn sẽ không bao giờ đổ thừa lỗi do ông bà. Mà khi ấy sẽ tự trách mình còn dở, tự biết mình cần phải thay đổi ngay không thì không ai làm việc đó cho con mình cả. Nếu chưa thay đổi ngay được cũng tìm mọi cách để từ từ lấy lại quyền dạy con của mình. Thì người mẹ ấy mới có thể chủ động trong cuộc sống và chính các hành động đó sẽ làm gương cho trẻ.

Các mẹ có thấy ai một khi đã cố tình không chịu nhận lỗi mà sửa lỗi được không?
Vậy thì ai thiệt ở đây? Có phải cuối cùng con mình chịu thiệt không? Khi chính mẹ nó cũng biết con đang hư hơn, con không ngoan khi mới có tí tuổi đầu, để năm ba năm nữa lấy gì mà dạy được? Lúc ấy có muốn thay đổi muốn cải thiện, muốn dạy con lại từ đầu chắc gì đã làm được?

Mẹ đã dám đẻ thì phải có sức mà nuôi, phải có trách nhiệm dù bất cứ hoàn cảnh nào. Dù mình không muốn đi chăng nữa mà lo cho con không tốt được hay không dạy đến nơi đến chốn nghĩa là lỗi của mình. Đừng đổ lỗi cho ai khác vì vấn đề hay sai lầm của mình. Hãy chịu trách nhiệm với chính bản thân, cho những suy nghĩ, hành động và lời nói hay việc làm của mình. Không ai có thể khiến bạn làm bất cứ điều gì cả. Bạn cảm thấy ra sao và phản ứng thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn và bạn phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Còn một người mẹ sống thụ động rồi đổ thừa do ai khác sẽ không bao giờ có quyết tâm hay dám thay đổi gì. Và sự thụ động ấy sẽ làm gương xấu cho trẻ, còn khiến con cái ngày càng không coi trọng chính người mẹ đã sinh ra mình.

Có mẹ nói “Nhưng lỗi một phần là do thằng bố nữa chị, bất tài vô dụng ..” 
Thì đó cũng là tại mẹ nó dở chọn chồng hèn chứ ai? Con nó có chọn được giùm  chồng cho mẹ được đâu?
Bảo là hên xui nhờ tấm chồng, không có đâu! 🙂 Là do mình biết chọn mặt gởi vàng đừng có để trái tim át lý trí hay không mà thôi.

Mẹ là người ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và cư xử của con nhiều nhất. 
Có thể nói mình được như ngày hôm nay cũng nhờ vào những gì mình đã nhìn từ người mẹ của mình từ nhỏ. Mẹ mình là người rất chịu khó, rất ham làm ham học, rất biết cư xử, dạy con từ những chuyện rất nhỏ, tất cả những gì làm ra không có nhờ cậy chồng hay ai. Từ nhỏ mẹ đã dậy phải nói chuyện với người giúp việc trong nhà phải dạ thưa, đi học phải khoanh tay lại thưa khi về nhà cũng vậy, chứ không phải chỉ nói qua loa cho có lệ. Hay khi ăn không được chép miệng, con gái không được ăn trong tô trong thố rất mất phong cách, ngồi không được chàng hảng hai chân :D, đi không được vung tay, không vừa đi vừa chạy, không vừa ăn vừa nói, … Rất rất nhiều những điều mẹ dạy như vậy và giờ mình cũng dạy con như thế.

Khi đọc bình luận của một mẹ nói là: “Gái quê tối ngày chỉ biết có lũy tre làng làm sao mà chọn chồng khá giả được chị ..”
Mình đã nghĩ là: Cái này cũng là do mẹ của cô gái quê ấy thế nào luôn! 🙂 
Cả triệu gái quê học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm ổn định và lấy ối tấm chồng ngon lành nhờ biết lựa chọn vì đã trải nghiệm từ những điều mình đã thấy, đã tích lũy, đã học được trong quá trình làm việc và thích nghi, tiếp cận với cuộc sống thực sự sau khi trưởng thành. Sự cố gắng, suy nghĩ và thói quen ở con là do mẹ nó dạy dỗ, tích lũy dần dần từng chút một vào suy nghĩ của con cái. 

Muốn thoát khỏi lũy tre làng thì đứa con gái ấy được mẹ của mình “nung nấu mong muốn và ý thức” ấy hàng ngày, mới có thể tạo nên động lực và sự cố gắng cho cả 2 mẹ con để đạt được mục tiêu thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn cho cô gái ấy. Người mẹ sẽ làm gương và gieo hạt giống “Siêng năng, chịu khó, cách sống chuẩn mực” vào tâm hồn con cái qua các câu nói, sự phân tích và cách sống hàng ngày của mình.

Một người mẹ buôn gánh bán bưng, nếu nói với con là “Con phải ráng học, cỡ nào cũng phải học hết trung học, sau đó học đại học hay học nghề cho giỏi mới đi làm và nuôi bản thân mình tốt được, mới được mọi người xem trọng, mới có cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ nhiều người và chọn lựa tấm chồng xứng tầm. Thì con cái sẽ sống, học tập và có kết quả khác hẳn với một người mẹ nói với con “học được đến đâu thì học, không muốn học tiếp thì ở nhà, yêu ai thì gả” mặc dù con mình chưa có nghề ngỗng gì ra hồn, nấu một bữa ăn ngon còn không biết nói gì làm mẹ làm vợ, sao mà đứa con gái ấy không mãi sống trong lũy tre làng hay chỉ nhìn tới được … đọt tre?

Và dù chỉ sống quanh lũy tre làng cũng vậy, vấn đề không phải là sống ở đâu mà là mẹ dạy con thế nào nó ra thế ấy. 
Còn nói về quan điểm chọn chồng thì không phải có tiền, không phải giàu là hay là tốt còn anh nào nghèo khổ là xấu đâu nha. Hơn nhau là thái độ sống và ý chí ! Một người chồng có thái độ sống tốt và có ý chí, dù hiện tại có nghèo cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để thay đổi cuộc sống cho vợ con sau này hưởng phước. Còn một người chồng không có ý chí, không có văn hóa, cách sống tệ, thì bố mẹ anh ta có giàu đến mấy sau này anh ta cũng phá hết mà thôi.

Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng. Và viết lên tờ giấy trắng ấy như thế nào là do mẹ cầm tay con để viết. Nhỡ có sai thì mẹ cũng là người hướng dẫn con bôi tẩy để sửa lại cho đúng. Muốn tránh việc bôi xóa quá nhiều khiến cho tờ giấy ấy nhơ nhớp hay rách nát thì ngoài việc làm gương cho trẻ, người mẹ còn cần phải “cầm tay chỉ việc” từng ly từng tí cho con cái từ khi trẻ mới biết nghe biết nói, như mình đã nói trong bài “Dạy con cám ơn khi nào?” chứ để đến 5-7 tuổi mới dạy sẽ khó thể điều chỉnh các thói quen xấu ở trẻ dễ dàng được.

         

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *