Ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam khiến 1 học sinh tử vong: Dấu hiệu nhận biết căn bệnh nguy hiểm này

Sáng 11/10, Sở  y tế tỉnh Quảng Nam cho biết vừa phát hiện một ổ dịch bạch hầu tại Trường tiểu học xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) với 7 em học sinh mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. 

Trường tiểu học xã Trà Vân với 8 lớp gồm 199 học sinh (148 em nội trú, phân bố chỉ trong 3 phòng ở) và 14 thầy cô, cấp dưỡng.

Từ cuối tháng 9, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã nhận được thông tin từ TTYT huyện Nam Trà My về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học xã Trà Vân. Trước đó, tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) cũng đã có 3 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu.

Nhiều em học sinh đang tập trung để tiêm phòng chống dịch bạch hầu ở H. Tây Giang trước đó (Ảnh: Thanh Niên) 

Qua đó ghi nhận có ổ dịch nghi bạch hầu tại trường tiểu học xã Trà Vân với 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người cùng nhà) và đang chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang.

Kết quả xét nghiệm sơ bộ ngày 5/10 cho thấy 7/7 ca dương tính với vi rút bạch hầu, gồm 3 nam và 4 nữ có độ tuổi từ 8 – 12.

Theo Sở Y tế, hiện có 6 ca đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Nam Trà My, đáp ứng với điều trị và tiến triển tốt. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Ph. (6 tuổi, phát bệnh ngày 27/9, vào TTYT huyện  Nam Trà My sáng 29/9), được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1/10, bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, rồi bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12h ngày 3/10, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim.

Bác sĩ Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho hay, bệnh bạch hầu xảy ra tại Nam Trà My ở lứa tuổi từ 8-12, khác với độ tuổi 15-20 ở huyện Tây Giang hồi đầu năm 2017.

“Theo y văn thế giới ghi nhận, miễn dịch bạch hầu sau khi tiêm vắc xin là miễn dịch không bền vững, giảm theo thời gian. Cứ khoảng 10 năm sau khi tiêm vắc-xin, hiệu giá kháng thể sẽ giảm đi 40%. Ở các nước tiên tiến, cứ sau 10 năm, người ta tiêm nhắc lại vắc xin.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam có chỉ định, trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi phải tiêm nhắc lại mũi thứ 4 vắc xin bạch hầu mới đảm bảo phòng bệnh”, bác sĩ Văn nói.

Hiện công tác tiêm ngừa dịch bạch hầu đang được triển khai tại huyện Nam Trà My (Ảnh: Dân Trí)

Hơn nữa, ông Văn cũng cho biết, nhà sản xuất cũng khuyến cáo tỉ lệ trẻ mắc bệnh sau tiêm cũng xảy ra bởi hiệu lực bảo vệ chỉ là 95%.

Nhận biết dấu hiệu ban đầu bệnh bạch hầu

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng gây tử vong chủ yếu ảnh hưởng mũi, cổ họng, đôi khi ở da và có thể gây tử vong. Các vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch hầu.

Sốt là dấu hiệu chung và dễ nhận biết của các bệnh nhiễm khuẩn

Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn. Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen. Tuỳ từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:

Bạch hầu mũi

Như là một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, hơi thở hôi. Thăm khám sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn đang bú mẹ.

 

Bạch hầu họng – Amiđan

Thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp. Người bệnh chán ăn, bất an, sốt nhẹ, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đây là biểu hiện nặng, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu. Nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày sẽ nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc nặng và bệnh nhân tử vong.

Bạch hầu thanh quản

Bệnh nhân thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội. Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắc nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong

(Theo Đại Kỷ Nguyên) 

Thông tin tham khảo:
– Ưu đãi thai kỳ và mẹ cho con bú, mẹ khỏe con đủ chất 

– Bổ sung SỮA NON nguồn kháng thể và dinh dưỡng vàng cho trẻ từ sữa non giúp trẻ khỏe hơn tăng cân tốt
– Bí quyết vàng giúp trị cảm ho, sổ mũi cho trẻ hết hẳn tại nhà
– 3 Cách cải thiện ngay khi trẻ bú kém, chậm tăng cân, đứng cân
– Cách cải thiện nôn trớ, tiêu chảy, biếng ăn ở trẻ được Bác Sĩ chuyên khoa sản nhi lựa chọn.
– Nhận biết 8 dấu hiệu và 3 giai đoạn còi xương ở trẻ.

– Quá bất ngờ: Bé Thanh Trúc đã tăng gần 10kg và cao thêm 21cm sau hơn 1 năm; bé Anh Tú tăng 2kg và cao thêm 7cm chỉ sau 2 tháng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *