Phần 4: Tình yêu hình ngọn lửa và tình yêu hình tử cung

Tại sao cha mẹ càng hiểu, càng chăm bẵm, càng đáp ứng đòi hỏi của con cái, con cái càng không hiểu cha mẹ?
Là vì những vị phụ huynh này mới chỉ biết yêu con chứ chưa biết dạy con. Chỉ có uốn nắn con cái từ nhỏ, các bậc cha mẹ mới có thể thể hiện được giá trị của một tình yêu chất lượng cao.

Thật ra, cách dạy con của phụ huynh Do Thái và phụ huynh Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. “Không lo cha mẹ không yêu thương, chỉ lo cha mẹ chỉ biết yêu mà không biết dạy”, “chiều con là hại con”, “con người thì khôn, con mình thì dại”, “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “chiều quá hóa hư”, “muốn con thành tài, cha mẹ phải biết dạy dỗ”… đều là truyền thống gia giáo của người Trung Quốc được lưu truyền từ xưa đến nay.
Có điều, nói thì dễ, làm mới khó, các bậc cha mẹ Trung Quốc thời nay thường gặp khó khăn khi bắt tay thực hiện phương pháp giáo dục trên.

Cũng khó trách họ, chính sách một con vô hình chung đã làm tăng thêm độ khó của bài toán thời đại dành cho các bậc phụ huynh Trung Quốc trong vấn đề nuôi dạy con cái. Rất nhiều gia đình mắc phải căn bệnh “421, 621”, tức là một gia đình có từ bốn đến sáu người lớn cùng yêu thương một đứa trẻ, luôn muốn bảo vệ nó nhiều hơn, lâu hơn. Họ biết rõ làm vậy là không tốt cho con nhưng lại không nỡ.

Giống như vô số lần tôi nhìn thấy cảnh tượng ở tiệm KFC: Cháu bé vừa cầm hamburger vừa gặm đùi gà, trong khi cha mẹ, đôi khi có cả ông bà, thì lẳng lặng đứng nhìn một bên, hoặc nhấm nháp ít đồ ăn mang từ nhà đến.

Cũng vì một số đứa trẻ được cha mẹ quá nuông chiều nên không biết động não, từ chuyện ăn, chuyện mặc đến chuyện học hành, thi cử, công việc, đều có cha mẹ lo từng ly từng tý. Khi gặp chuyện không vừa ý, chịu một tí trở ngại, chúng liền nước mắt ngắn nước mắt dài, tỏ vẻ oan ức, thể hiện đặc trưng của “gia tộc dâu tây”, bề ngoài bóng bẩy xinh đẹp nhưng thực chất bên trong lại vô cùng mềm yếu.

Có thể nói, các bậc phụ huynh Trung Quốc thời nay vẫn đang tiếp diễn tinh thần hy sinh, dâng hiến của các bậc phụ huynh thế hệ trước, cùng với hoàn cảnh đặc biệt của thời đại, họ ngày càng thể hiện tinh thần đó một cách mãnh liệt hơn, dẫn đến sự ra đời của một loạt “nô lệ của con”, “gia tộc dâu tây”, “thế hệ ăn bám”… thậm chí ngay cả cụm từ “bà mẹ trực thăng” cũng được đưa vào từ điển của Mỹ.

Giúp con tránh xa “cạm bẫy thỏa mãn”

Không ít phụ huynh rơi vào thế bị động trong giáo dục gia đình, dù dành tất cả tình yêu thương cho con nhưng đáp lại, những gì họ nhận được lại vô cùng khiêm tốn. Tại sao cha mẹ càng hiểu, càng chăm bẵm, càng đáp ứng đòi hỏi của con cái, con cái càng không hiểu cha mẹ, thậm chí còn giày vò họ?

Là vì những vị phụ huynh này mới chỉ biết yêu con chứ chưa biết dạy con. Giáo dục gia đình của người Do Thái có tỷ lệ thành công cao bởi họ chú trọng đưa con cái vào khuôn khổ ngay từ nhỏ.
Trường trung học cơ sở của con trai tôi từng tổ chức cuộc điều tra xã hội “Một ngày của cha mẹ”, yêu cầu học sinh tìm hiểu các công việc cha mẹ mình phải làm từ khi thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ vào buổi tối.

Hoạt động này khiến con trai tôi và các bạn của nó có những cảm nhận sâu sắc. Con trai tôi về nhà kể rằng, khi tổng kết điều tra, rất nhiều bạn trong lớp nó đã bật khóc. Các cháu không ngờ, cha mẹ mình kiếm tiền vất vả biết bao. Một cháu từng đòi mẹ mua giày trượt patin hàng hiệu, sau khi tham quan nhà máy mẹ cháu đang làm việc, tận mắt chứng kiến cảnh người mẹ làm việc quay cuồng trong tiếng máy móc ồn ào, cháu hổ thẹn nói: “Ngày hôm đó, em trông thấy cánh tay mẹ mỏi rã rời, gần như chẳng còn đủ sức nhấc lên nữa.” Cậu bé cảm thấy hổ thẹn vì thường ngày đã không biết quý trọng thành quả lao động của mẹ.

Cũng theo phụ huynh Do Thái, cha mẹ cho con biết về hoàn cảnh gia đình mình ở mức độ phù hợp không phải là chuyện không hay. Làm vậy trẻ càng biết quý trọng cuộc sống và công sức lao động của cha mẹ, không coi cha mẹ là cái máy in tiền của mình. Còn những đứa trẻ mù mờ về hoàn cảnh gia đình mình sẽ coi sự lao động vất vả của cha mẹ là bình thường.

Tôi rất thích tham gia những buổi họp phụ huynh của các trường học ở Israel, vì mỗi buổi họp đều mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích. Khác với họp phụ huynh ở Trung Quốc, ở Israel giáo viên luôn khuyến khích phụ huynh học sinh trình bày ý kiến và nêu câu hỏi, ngoài ra họ còn mời một số chuyên gia giáo dục gia đình đến giải đáp thắc mắc cho các vị phụ huynh. Tôi đã thay đổi rất nhiều trong quan niệm giáo dục con cái sau những buổi họp phụ huynh đó, như: “Giáo dục gia đình trên danh nghĩa của tình yêu.”

Một nhà giáo dục học người Israel nhận định: Những đứa trẻ ăn ngon mặc đẹp quen được gia đình đáp ứng mọi đòi hỏi của mình trong một thời gian dài sẽ hình thành nên nhận thức sai lầm, trẻ nghĩ rằng những việc cha mẹ làm vì yêu thương con cái là lẽ đương nhiên, xưa nay vẫn vậy. Từ đó, trẻ tự cho mình là trung tâm vũ trụ, dù bạn đặt ra quy định gì đi nữa cũng chẳng ăn thua.

Có những tình yêu dục tốc bất đạt

Khi trẻ em Israel bước vào những năm học cuối cấp: Một, phụ huynh tuyệt đối không bay lượn trên đầu trẻ, mặc dù họ vẫn luôn xuất hiện vào những thời khắc quan trọng. Họ bảo vệ trẻ trong bóng tối nhưng không vượt quá bổn phận của mình. Nhà trường bầu ra hội trưởng hội phụ huynh, chức trách của hội trưởng là tổ chức buổi gặp mặt định kỳ cho các phụ huynh và thầy cô giáo của một khu vực nhất định.

Hội trưởng hội phụ huynh ở trường của con trai tôi đưa ra ý kiến: Tham quan (không cần nhiều), giao lưu (cũng không cần nhiều), không lo lắng (thái quá), trông đợi sự thay đổi và tin tưởng vào trẻ. Tức là cha mẹ lùi lại phía sau, làm quân sư có trách nhiệm tham mưu, quan sát, nhắc nhở trẻ, chứ không ôm đồm hết mọi việc cũng không ép con làm theo ý thích của cha mẹ.

Tôi có người bạn thân làm viện trưởng một bệnh viện ở Tel Aviv. Một hôm, chúng tôi nói chuyện về chủ đề lựa chọn nghề nghiệp cho con, ông bạn tôi chia sẻ: “Tôi không nói với con rằng, làm bác sĩ có thu nhập cao nên con hãy đăng ký thi trường y. Vì nếu nó chỉ làm bác sĩ vì thu nhập thì sớm muộn gì nó cũng phải trải qua cảm giác hối hận. Nghề bác sĩ cực kỳ vất vả, chưa có lý tưởng chữa bệnh cứu người mà đã bị sức mạnh của đồng tiền chi phối, thì tương lai nó không thể trở thành một bác sĩ giỏi. Cho nên, tôi muốn con cái đưa ra quyết định của mình sau khi suy nghĩ rõ ràng về hứng thú của bản thân.”

Thời gian đầu mới tới Israel, tôi vẫn là một bà mẹ Trung Quốc kiểu mẫu, từ khi chịu ảnh hưởng từ phương pháp yêu con của người Do Thái, tôi bắt đầu suy nghĩ: Rốt cuộc cha mẹ phải yêu thương và che chở cho con đến khi nào? Đặc biệt là sau khi so sánh khoảng cách về kỹ năng sinh tồn giữa Dĩ Hoa và Huy Huy nhà tôi với những đứa trẻ Do Thái cùng trang lứa, tôi chợt nhận ra rằng, phải chăng người mẹ không nên dính lấy con, không nên yêu thương con một cách chiếm hữu và độc đoán?

Tôi từng hỏi một người bạn Do Thái có chuyên môn về giáo dục trẻ em câu hỏi này. Anh ấy gợi ý cho tôi: “Sara, tình thương cậu dành cho con vốn không có tội, nhưng nếu cậu đi quá giới hạn, khiến con trở nên lười biếng, buông thả và không có ý chí phấn đấu, thì đó thực sự là một cái tội.’’

Nếu cha mẹ bao bọc con cái từ khi chúng còn nhỏ, có khả năng đứa trẻ sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, hình thành một “cảm giác an toàn” giả tạo; mặt khác, đến khi cha mẹ ép chúng đi ngược lại mong muốn của mình, kết quả là dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Khi đứa trẻ bước vào thời kỳ trưởng thành, mâu thuẫn này càng ngày càng trở nên gay gắt.

Gần đây, talk show tâm lý của Đài Ttruyền hình trung ương Trung Quốc thường đề cập đến vấn đề tâm lý thanh thiếu niên, phần lớn nguyên nhân dẫn đến các bệnh tâm lý ở trẻ em không phải là do sức ép thi cử, mà chủ yếu liên quan đến thái độ giáo dục của cha mẹ.
Hơn mười năm tiếp cận với nền giáo dục đa quốc gia, đến nay trong đầu tôi vẫn luôn mường tượng đến hai hình ảnh so sánh sống động: Cha mẹ Trung Quốc yêu thương con cái giống như hình tử cung, còn các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái giống như hình ngọn lửa.

Bức vẽ tử cung đẹp nhất từng xuất hiện trong thời kỳ phục hưng: bản vẽ của Leonardo da Vinci với hình ảnh một thai nhi vừa tròn tháng nằm gọn trong tử cung của người mẹ. Vì vậy, có người đã ví: “tử cung nghĩa là cung điện của đứa con.”

Ngoài hình ảnh “tử cung” ra, tôi không tìm được cách biểu đạt nào thích hợp hơn về các bậc cha mẹ Trung Quốc muốn chịu trách nhiệm cho cả cuộc đời của đứa con mình.
Khi con cái đi qua thời thơ ấu, nếu cha mẹ vẫn bao bọc chúng trong “tử cung hư cấu”, chúng sẽ trở thành người chẳng có tài cán gì.

Trong hình ảnh ngọn lửa, các bậc cha mẹ Do Thái dùng ngọn lửa nhóm lên cuộc đời và tiền đồ của con cái, tựa như ánh mặt trời chiếu từ phía chân mây.
Tình yêu cha mẹ dành cho con cái trong hình tử cung và trong hình ngọn lửa liệu có mâu thuẫn với nhau?
Thưa, không! Không có tình yêu giống như tử cung, làm sao có nhiệt tình, có dâng hiến, có hy sinh; nhưng nếu không dùng đến tình yêu như hình ngọn lửa, thì sự nhiệt tình của cha mẹ chỉ là làm theo cảm tính, không có lý trí, là sự hy sinh chỉ có vất vả mà không có báo đáp, là tình yêu mù quáng thiếu sáng suốt và thiếu tính nghệ thuật!

Tình thân chân chính nên lấy tử cung làm xuất phát điểm, đồng thời đốt lên một ngọn lửa trong suốt cuộc hành trình. Con cái là tác phẩm được sinh ra từ tử cung của tác giả – người mẹ, một khi công bố tác phẩm, nó sẽ đứng độc lập với tác giả, không phải chịu sự chi phối của tác giả. Vì vậy, chỉ có uốn nắn con cái từ nhỏ, các bậc cha mẹ mới có thể thể hiện được giá trị của một tình yêu chất lượng cao. Còn như rất nhiều cha mẹ Trung Quốc hiện nay, họ hoàn toàn thiếu đi “ngọn lửa’’, sự cưng chiều của họ chỉ gây ra những tác động xấu đến quá trình trưởng thành của con.

Có một câu nhận xét về các bậc phụ huynh Trung Quốc như thế này: Họ yêu con đến mức không biết cách yêu con.
Phần lớn phụ huynh Trung Quốc đều biết chiều con là có hại, nhưng họ không hiểu được thế nào là nuông chiều, càng không biết được có phải bản thân mình đang nuông chiều con hay không.
Có thể giải thích như sau, trong từ điển tiếng Trung: “nịch” nghĩa là “chìm”.

Người chết vì bị chìm dưới nước gọi là “chết chìm”, còn nếu tình yêu của cha mẹ tuôn chảy tràn lan, nhấn chìm con cái mình bên trong, thì đó gọi là nuông chiều. Nuông chiều là một loại tình yêu để lại hậu họa khôn lường, khiến con cái của chúng ta nếu không thua ở vạch xuất phát, cũng sẽ thua ở vạch về đích!

Tờ Liên hiệp buổi sáng của Singapore từng đăng một bài viết nói rằng: Hơn 65% gia đình Trung Quốc tồn tại hiện tượng “già nuôi trẻ”, những đứa con xấp xỉ ba mươi tuổi vẫn trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ già. Chẳng trách không ít người hô hào: Đề cao cảnh giác với hiện tượng nhiều năm gần đây: “Nuôi con phòng lúc tuổi già”, hóa ra lại thành “nuôi con ăn bám thân già”!

Bài báo kết thúc bằng một câu: Con cái “một là vẫn đang thất nghiệp, hai là bòn rút cha mẹ, ba là cơm no ba bữa, bốn là tứ chi mềm nhũn, năm là ngũ quan ngay ngắn, sáu là bất nhận lục thân, bảy là buông thả bảy phần, tám là tiêu dao tám hướng, chín là ngồi lâu bất động và mười là hết sức vô dụng.”

Không có người bất hạnh, chỉ có sự giáo dục bất hạnh. Không có đứa con bất hiếu, chỉ có đứa con không may tiếp nhận phải một phương pháp giáo dục khiến chúng dần trở nên bất hiếu.

Tôi từng gặp nhiều phụ huynh yêu thương con cái hết lòng, nhưng đáp lại, những gì họ nhận được thì rất ít: Con cái không nghe lời cha mẹ, không hiểu cha mẹ, có khi còn là tiểu hôn quân, manh nha ăn bám. Khi nhìn thấu sự việc, chúng ta sẽ nhận ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không phải là do con cái mà là ở cha mẹ. Cha mẹ rơi vào sai lầm trong vầng sáng yêu thương vĩ đại, họ đã vô tình tặng con một món quà đáng sợ nhất.
Vậy nên, làm sao thoát khỏi sai lầm này là một đề tài và thử thách mới đối với tất cả các bậc cha mẹ Trung Quốc trong thời đại mới.

(Trích từ cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” ) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *