Phần 6: 3 nguyên tắc dạy con cha mẹ cần biết

Trích từ sách viết về câu chuyện dạy con của bà mẹ Do Thái với tựa đề “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”

1. Yêu con trên nguyên tắc có làm có hưởng
Theo quan điểm của phụ huynh Do Thái, các loại kỹ năng được dạy trong trường học như âm nhạc, vũ đạo, hội họa hay quần vợt, tất nhiên đều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhà trường không thể cung cấp cho trẻ một “sân huấn luyện” kinh nghiệm sống. Vì vậy trong vấn đề giáo dục, người Do Thái gạt bỏ rất nhiều thứ phù phiếm, họ coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, với mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cách làm này phát huy hiệu quả rất tốt đối với tất cả trẻ em, nhất là ở độ tuổi trên mười, hiệu quả càng rõ nét. Đứa trẻ trở nên giỏi giang hơn những gì cha mẹ tưởng tượng, ý thức thời gian, ý thức tự lập, ý thức trách nhiệm được phát triển một cách đồng đều.

“Nguyên tắc có làm có hưởng” giống như một ngọn lửa, kích thích tố chất sinh tồn tiềm ẩn của các con tôi. Trong những cuộc lột xác của chúng, tình mẫu tử của chúng tôi chẳng những không phai nhạt, mà theo thời gian, các con ngày càng cảm kích tâm sức vất vả của mẹ và khâm phục sự hiểu biết của mẹ.

Trong các buổi họp phụ huynh, người Do Thái thường thảo luận vấn đề làm sao thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng. Họ cho rằng, những đứa trẻ chỉ hoàn thành xuất sắc bài vở trên lớp thôi chưa chắc sẽ thành công trong cuộc sống, nói cách khác, những đứa trẻ chỉ hoàn thành xuất sắc bài vở trên lớp không có nghĩa là chúng sẽ gặp thuận lợi khi thực hiện giá trị cá nhân và giá trị xã hội trong cuộc sống tương lai.

Tạp chí Giáo dục gia đình của Israel từng làm một cuộc điều tra cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp giữa những đứa trẻ thích làm việc nhà và những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 1:15, thu nhập bình quân của những đứa trẻ thích làm việc nhà cao hơn những đứa trẻ không thích làm việc nhà 20%. Trẻ em hiểu lý luận lao động ngay từ khi còn nhỏ, tìm được phương hướng cuộc đời trên cơ sở không ngừng trải nghiệm, ngày sau càng dễ thành công trong sự nghiệp.

2. Trì hoãn thỏa mãn – Khéo léo từ chối thỏa mãn

“Trì hoãn thỏa mãn” là một trong những phương pháp giáo dục quan trọng của các bậc phụ huynh Israel.

Ba thế hệ của một gia đình cùng yêu thương gắn bó.
Có thể chia các cách thỏa mãn ham muốn của con người ra làm mấy loại sau: Trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn, thỏa mãn trước, thỏa mãn tức thời và thỏa mãn quá mức. Phương pháp giáo dục tốt luôn đề cao “trì hoãn thỏa mãn” và “khéo léo từ chối thỏa mãn.” Còn “thỏa mãn trước” là việc làm dại dột, “thỏa mãn quá mức” thì chỉ lãng phí công sức.

Phụ huynh Israel thường trao đổi, đối thoại với con em mình để chúng hiểu lý do vì sao cha mẹ trì hoãn những yêu cầu của chúng.
Họ bảo trẻ: Nếu con thích chơi thì con cần phải có thời gian để chơi đúng không. Con sẽ đạt được mong muốn của mình khi con thi được vào trường điểm và có được thành tích xuất sắc. Sau này con có thể tìm được một công việc rất tốt, kiếm được rất nhiều tiền, đến lúc đó, con sẽ có nhiều thời gian vui chơi và đồ chơi của con cũng đắt tiền hơn. Nhưng nếu con đi sai trật tự thì toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động bình thường, con sẽ có rất ít thời gian vui chơi và chỉ sở hữu một vài thứ tồi tệ, phần đời còn lại, dẫu con nỗ lực làm việc đến đâu cũng không có đồ chơi, không có niềm vui.

Các vị phụ huynh cũng thường đưa ra những kiến giải của mình về “học cách cự tuyệt” trong quan niệm giáo dục gia đình. Messiah, nhà giáo dục Do Thái nổi tiếng đã sớm chỉ ra: “Về phương diện giáo dục gia đình, dạy trẻ không được phép làm chuyện gì là vô cùng quan trọng.”

Trước hết, phương pháp giáo dục “trì hoãn thỏa mãn” khiến con biết nhẫn nại, giúp con hiểu thế giới này không dành cho một mình nó, con không thể dễ dàng có được tất cả những gì mình muốn. Bên cạnh đó, “trì hoãn thỏa mãn” cũng làm tăng khả năng chịu đựng của con khi bị từ chối, bồi dưỡng chỉ số AQ – nhân tố quan trọng đưa đến thành công. Không chỉ có vậy, “trì hoãn thỏa mãn” còn rèn luyện ý chí, từ đó khiến tâm lý của chúng biết co biết duỗi và có tính “đàn hồi” hơn. Trong học tập, con cũng nhẫn nại hơn.

Trì hoãn thỏa mãn cũng là một trong những bài học quan trọng nhất. Khi con cái đưa ra yêu cầu, là người làm cha làm mẹ của chúng, bạn sẽ tiếp nhận hay từ chối yêu cầu? Làm sao cho con biết bằng lòng, không nằng nặc đòi hỏi? Làm sao cho con hiểu thứ đáng quý nhất không phải là những món quà đẹp đẽ, mà là người thân, là niềm vui, là yêu thương?

Tôi từng từ chối những yêu cầu quá đáng của các con nhưng bù lại tôi bỏ ra rất nhiều tâm huyết giải thích cho bọn trẻ hiểu rõ thứ gì mới thật sự ý nghĩa, làm chúng dần cảm nhận được sự giản dị và sâu lắng, lâu dài và ân cần của tình yêu.

3. Lùi 1 bước, biết buông tay

Juterbi, nhà tư tưởng Do Thái có một câu danh ngôn được các bậc phụ huynh Do Thái thuộc nằm lòng. Ông nói: “Hãy để cho trẻ tự giải quyết chuyện của mình. Nếu cha mẹ quá che chở cho trẻ thì sẽ làm mất sự tự tin ở trẻ. Khi lớn lên, đứa trẻ đó chắc chắn không có được tính cách độc lập, càng không thể đạt được những thành tựu xuất sắc.” Karl Marx, danh nhân Do Thái cũng từng nói:
“Con người cần biết đi, cũng cần biết ngã, vì chỉ có vấp ngã, anh ta mới biết đi.”

Vì sao phụ huynh khó buông tay? Khi đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời, nó và người mẹ vẫn được nối với nhau bằng cuống rốn, chảy chung một dòng máu, cho nên buông tay trở thành vấn đề nan giải. Quy tắc giáo dục gia đình của người Do Thái nhắc nhở các bậc cha mẹ: Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân ly là tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập sau khi rời khỏi cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng chính nhân cách độc lập của mình, đó mới là tình yêu thương đích thực cha mẹ nên dành cho con cái.
Những vị phụ huynh thật sự biết nghĩ cho hạnh phúc của con cần phải trao cho trẻ nhiều cơ hội sáng tạo, tìm kiếm thông tin bên ngoài, chứ không đứng mũi chịu sào, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn tương lai của chúng.
Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai.
Phụ huynh Do Thái cho rằng, không chịu rút lui, không chịu buông tay, cha mẹ sẽ bồi dưỡng chúng trở thành những “thai nhi quá hạn”, “gieo nhân rồng nhưng lại thu về bọ chét”,
như vậy là phụ lại tấm lòng cha mẹ dành cho một sinh mệnh hoàn hảo, là sự thất bại của cha mẹ trong cách dạy con.

Nếu đánh giá công việc làm cha làm mẹ dựa vào thành quả của các bậc phụ huynh, thì những cha mẹ 100 điểm không được coi là tiêu chuẩn của thành công, thay vào đó, những cha mẹ 80 điểm mới thực sự có thành tích tốt hơn.

Dân tộc Do Thái không tự nhận mình thông minh hơn các dân tộc khác, nhưng dân tộc chỉ chiếm 0,2% – 0,3% dân số thế giới này lại sản sinh ra vô số nhân tài: Karl Marx, Charles Darwin, Sigmund Freud, Albert Einstein, Karl Freund, Henri Bergson, Franz Kafka, Heinrich Heine, Frédéric Chopin, Jakob Bartholdy, Yehudi Menuhin, Marc Chagall, Charlie Chaplin… Từ năm 1901, có thể nói người Do Thái đã độc chiếm chiếm giải Nobel, vì có tới 32% số người đoạt giải Nobel là người Do Thái, cao gấp một trăm lần so với các dân tộc khác. Tại sao những nhân tài Do Thái nhiều hàng đầu trên thế giới? Lão Tử từng nói “cuộc hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân đơn lẻ”, chính phương pháp giáo dục trong gia đình đã đặt nền móng giúp người Do Thái đạt tỷ lệ thành công cao như vậy.

Có phụ huynh lo lắng: Liệu “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” có phá hoại tình cảm giữa tôi và con cái không?

Lấy thực tiễn giáo dục của gia đình tôi làm ví dụ:
Tôi thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng trong gia đình mình, rèn luyện kỹ năng làm việc nhà cho ba đứa con, bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng quản lý, ý thức trách nhiệm của chúng. Đồng thời, tôi cũng phải lèo lái gia đình bằng tình yêu thương, làm cho các thành viên tâm đầu ý hợp. Tôi hẹn bọn trẻ tới Princess Teahouse, bốn mẹ con cùng có những phút giây ấm áp bên nhau; tôi cùng chúng làm những chuyến “du lịch thời gian”, hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Những lúc các con phần quả quýt ngọt nhất cho tôi, gắp cánh gà bỏ vào bát của tôi, trịnh trọng hứa hẹn cho tôi ba chiếc chìa khóa, trong lòng tôi dâng lên rất nhiều cảm xúc lâng lâng khó tả.

Theo phương pháp “vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, cha mẹ càng yêu thương con cái càng phải lùi về phía sau một bước, cha mẹ giữ khoảng cách với con không có nghĩa là bỏ mặc chúng muốn làm gì thì làm, không chịu trách nhiệm gì hết. Mẹ con tôi vẫn thường xuyên chia sẻ, tâm sự cùng nhau.

Cứ đến cuối tuần chúng tôi lại họp gia đình, cùng nhau sưởi nắng, tâm sự những chuyện phiền muộn. So với chuyện kinh doanh, việc nhà càng phải dụng tâm vun vén, vì vậy tôi chú ý trao đổi tư tưởng, tình cảm giữa tôi và bọn trẻ, khơi gợi, dẫn dắt các con suy nghĩ. Có lẽ vì vậy nên ba đứa con của tôi đều có tài ăn nói và kỹ năng phán đoán, trong đầu chúng hình thành ý nghĩ “tôi muốn trở thành người như thế này”, “mai sau tôi muốn làm…”, từng bước tiến dần đến thành công.

Nếu có phụ huynh hỏi: Tôi có phải thay đổi cách yêu thương con của mình theo cuốn sách quý Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương không? Xin thưa, thay đổi hay không tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi phụ huynh, lựa chọn đó chính là chiếc gương phản ánh giá trị quan niệm của họ.

Trong thế kỷ XXI, con cái chúng ta phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh khốc liệt, đứa trẻ nào có lòng tự tin, tư duy kiện toàn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý công việc từ khi còn nhỏ, biết tích lũy kiến thức cho quá trình trưởng thành, sau này sẽ ung dung chủ động đối mặt với tương lai.

Còn những đứa trẻ thiếu đi những kỹ năng trên đa phần là do được cha mẹ nuông chiều. Tôi tin rằng tất cả các bậc cha mẹ trên trái đất này đều có chung nhận định, chiều con là một kiểu giáo dục mang tính phá hoại. Song điều đáng lo là không ít bậc phụ huynh lún sâu vào sai lầm trong cách nuông chiều lại không hề nhận ra, bản thân họ chính là người mang đến cho con món quà đáng sợ nhất.

“Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là hy sinh cho con một cách có hiểu biết
Chỉ những người làm cha mẹ mới thật sự hiểu rằng đau khổ cũng là sướng vui, dâng hiến cũng là thu hoạch, hy sinh cũng là thỏa mãn. Vì vậy, cha mẹ càng yêu thương con cái bao nhiêu thì sự cho đi càng to lớn bấy nhiêu. Tình yêu ấy như những giọt nước mát lành nhỏ giọt vào trái tim con. Song bản năng sống thôi thúc con người không ngừng phá vỡ tổ kén, nếu quá nhiều vướng víu, ràng buộc của cha mẹ sẽ biến sự hy sinh và dâng hiến vì tình yêu ấy trở thành tấm song sắt kìm kẹp tâm hồn con.

Có bậc cha mẹ sẽ nói: Nói thì dễ, nghĩ thì dễ, làm mới khó. Muốn yêu thương con thì cứ yêu thương thôi! Không cần nhồi nhét thêm tư tưởng này nọ!
Các bậc phụ huynh xin hãy nghe tôi khuyên một câu: Bạn nuông chiều con tức là bạn sẽ làm hại con cả đời. Con trẻ dần mất tính tự lập, quen thói ăn bám cha mẹ, kỹ năng sinh tồn thấp kém, đến khi bạn rời bỏ thế giới này và chẳng còn thứ gì để ăn nữa, nó sẽ khóc than: “Mẹ, con hận mẹ!” Lúc đó, dù bạn có thương con nhường nào cũng không thể giúp con được nữa.

Nô lệ của conthế hệ ăn bám 
Gần đây ở Trung Quốc sử dụng phổ biến cụm từ: “Nô lệ của con”
Ngày nay, các bậc cha mẹ trẻ luôn phải chịu một áp lực vô hình. Gánh nặng giáo dục khiến cho tinh thần, tâm lý của họ vận hành quá tải, dù có chịu đựng được hay không họ cũng phải gánh lấy nó. Khi con bé bỏng, cha mẹ lo lắng cho sự phát triển và sức khỏe của con, cùng với rất nhiều mối nguy hiểm khôn lường.

Đến khi con lớn lên, cha mẹ lại phải chú ý đến vấn đề học tập của chúng. Trong tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, cha mẹ cần mẫn làm việc, bắt nhịp thời đại, còn phải không ngừng trau dồi tri thức, nắm bắt kỹ thuật mới, nâng cao địa vị của bản thân. Ngoài tám tiếng đó ra, cha mẹ dành toàn bộ thời gian cho con, bóp hầu bao mua sữa ngoại, nhịn ăn nhịn tiêu đóng tiền học phí vào nhà trẻ tư thục, không khiến con động tay dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, không có kỹ năng từ chối nhu cầu vật chất của con, cha mẹ giống như “máy in tiền” thực thụ.

Hễ thấy con bị chèn ép, cha mẹ lập tức ra mặt làm máy bay trực thăng bay lượn trên đầu con không để cho con phải chịu một chút uất ức, thật xứng với danh hiệu “nô lệ của con.” Các bậc cha mẹ làm “nô lệ của con” xuất phát từ tình yêu thương con cái vô bờ bến, nhưng, trên thực tế, họ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sinh tồn của con, kết quả là làm hại con.

Tôi cũng từng mắc phải sai lầm này, hồi mới đến Israel, tôi vẫn là một bà mẹ Trung Quốc theo kiểu nô lệ của con. Ngoài việc không thể học thay các con ra, tôi toàn quyền quyết định mọi việc của chúng, tôi là “nồi cơm điện”, “máy giặt”, “máy rửa bát”, “cần cẩu”, là “trực thăng” hoạt động hai tư giờ mỗi ngày! Cứ theo cách dạy con của mình, có lẽ bây giờ tôi cũng như rất nhiều cha mẹ Trung Quốc cùng độ tuổi, mua nhà, mua xe, cưới vợ cho các con bằng số tiền của mình tích cóp cả đời.

Cũng may, những lời phê bình thẳng thừng của chị hàng xóm thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh, và quan niệm giáo dục gia đình của Israel giúp tôi tỉnh ngộ. Phụ huynh Israel coi sự độc lập là món quà quý giá nhất họ tặng cho các con, nhất quyết không để cho hiện tượng “thế hệ ăn bám” tràn vào xã hội, bằng không con trẻ càng ngã đau hơn.

Talmūdh từng nói: “Chưa có kỹ năng làm việc, bạn vẫn có thể học tập tốt, nhưng chưa biết vận dụng tri thức vào thực tiễn lao động thì cuộc đời của bạn không thể đơm hoa kết trái, ngược lại còn dẫn đến tội ác.”

Của cải là sự hiểu biết 
Chính vì vậy, người Do Thái rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn và quán triệt tư tưởng “không làm không hưởng” đối với con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Khi mới đến Israel, tôi cho rằng, chỉ có các gia đình có điều kiện kinh tế kém mới giương cao khẩu hiệu: Muốn tiêu tiền thì hãy tự kiếm!

Sau này, khi làm thuê cho một gia đình rất giàu có, tôi mới hiểu rằng, hóa ra các vị phụ huynh Do Thái càng giàu có lại càng chú trọng giáo dục sinh tồn cho con. Gia đình mà tôi làm thuê có một cậu con trai đang học tiểu học, mặc dù trong nhà không thiếu gì siêu xe, nhưng những chiếc ô tô đó không hề được dùng để đưa đón cậu bé tới trường. Bất luận mưa gió thế nào, nó cũng tự đi xe buýt về nhà. Nếu cậu bé muốn thay đôi giày đá bóng đã cũ, cha mẹ sẽ đề nghị mỗi buổi tối cậu bé rửa bát đũa để lấy tiền mua giày. Họ nói rằng, làm vậy mới khiến con cái cảm nhận được những đắng cay ngọt bùi của cuộc sống.

Các gia đình Do Thái đã thực hiện nguyên tắc có làm có hưởng từ lâu. Vì sao dân số ít ỏi của người Do Thái lại sinh ra lớp lớp nhân tài? Mọi người vẫn luôn muốn biết đáp án của câu hỏi này, thật ra, nguyên tắc có làm có hưởng chính là một bí quyết nhỏ trong đó. Ví dụ về tỷ phú thế giới John D. Rockefeller, Rockefeller đã “làm thuê” cho cha ông để kiếm tiền tiêu vặt từ thuở nhỏ. Sáng sớm, ông đến nông trại, đôi khi giúp mẹ ông vắt sữa bò. Ông có một cuốn sổ tay, thống kê số lượng công việc hằng ngày, tính 0,37 đô la Mỹ mỗi giờ làm việc, ghi vào sổ, về sau kết toán với cha. Ông làm việc này rất nghiêm túc, cảm nhận lao động là thiêng liêng và vô cùng thú vị.

Hiện nay, Trung Quốc chưa trở thành một cường quốc kinh tế, rất nhiều gia đình vẫn luẩn quẩn bên ngoài ngưỡng cửa của tầng lớp trung lưu, nhưng họ lại có quan niệm giáo dục nuông chiều con cái, chi tiêu xa xỉ cho chúng ngay từ khi gia đình chưa lấy gì làm giàu có. Các bậc cha mẹ Trung Quốc mấy đời nay đều xem thành tích học tập của con là minh chứng cho mức độ thành công của mình trong việc nuôi dạy con cái, hoàn toàn bỏ qua việc dạy con kỹ năng sinh tồn, hoặc giả họ cho rằng cứ để cho con đạt được trình độ học vấn cao rồi sau đó bồi dưỡng thêm cho nó cũng chưa muộn. Dù sao “nô bộc già” là mình vẫn còn sống sờ sờ cơ mà!

Kết quả, các bậc phụ huynh Trung Quốc tự biến mình thành nô lệ của con cái, sau cùng đào tạo ra “thế hệ ăn bám.”

Thật ra, các bậc phụ huynh mong muốn làm nô lệ cho con không hề sống bằng lý trí, bản thân họ là người cha, người mẹ vĩ đại nhất, vô tư nhất, giàu đức hy sinh nhất, nhưng đồng thời cũng là người cha, người mẹ thất bại nhất, đáng thương nhất trong lịch sử.

Một cuộc điều tra mấy năm trước cho thấy, hơn 65% gia đình Trung Quốc tồn tại hiện tượng “già nuôi trẻ”: những người trưởng thành ba mươi tuổi vẫn phải trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ. Gần đây, không ít người hô hào, phải đề phòng hiện tượng: Người Trung Quốc “nuôi con phòng lúc tuổi già”, hóa ra lại thành “nuôi con ăn bám thân già”!

Bao nhiêu người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp, rồi bao nhiêu người đã ngoài ba mươi mà vẫn mua nhà, kết hôn bằng tiền lương tích cóp cả đời cha mẹ. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với tất cả các bậc cha mẹ trên thế giới, song cổ họng như nghẹn lại. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi chuyện con cái khó bám rễ trong xã hội cho hoàn cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Hiện nay Trung Quốc không thiếu trẻ em có trình độ học vấn cao, điểm số tốt, nhưng sở dĩ chúng không tìm được vị trí lý tưởng trong xã hội là vì thất bại ở kỹ năng sinh tồn. Liệu đứa trẻ vừa mới cất tiếng khóc chào đời có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ không, liên quan mật thiết đến chính đôi tay đưa nôi của người làm cha, làm mẹ. Đừng phụ lòng tín nhiệm và ủy thác của sinh mệnh hoàn hảo ấy chỉ vì quan niệm giáo dục lạc hậu của chúng ta.

Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, các bậc cha mẹ hãy làm thử một lần, xem cách dạy con của mình có bao nhiêu nhân tố không phù hợp.

Càng chọn nhiều đáp án “đúng”, chứng tỏ cách dạy con của bạn càng có nhiều nhân tố không hợp lý, nguy cơ sau này con cái của bạn trở thành “thế hệ ăn bám” càng cao, sớm thay đổi cách dạy con của bạn là một tin tốt đối với gia đình và con cái bạn.
Đừng dạy con thành kẻ “ăn bám” cha mẹ:

– Tránh nuôi con thành tiến sĩ giấy, “ăn bám” cha mẹ
– Con nên làm một số việc nhà, tùy theo sức của mình.
– Con chịu một chút tủi thân, không có gì là không tốt.
– Cha mẹ chỉ nên đáp ứng một nửa yêu cầu của con, tiếp nhận yêu cầu hợp lý, thay đổi yêu cầu bất hợp lý, thậm chí đôi khi phải từ chối.
– Khi con làm sai, cha mẹ không mắng con tức là đã tự chối bỏ cơ hội giáo dục.
– Không có đứa con nào là hoàn hảo, đứa con hoàn hảo được sinh ra từ phương pháp giáo dục hoàn hảo.
– Từ lần đầu tiên con dùng hành động khóc lóc ầm ĩ để uy hiếp cha mẹ, cha mẹ không được chiều theo ý con, bằng không nó sẽ được đằng chân, lân đằng đầu.
– Cha mẹ nên tán thành quan điểm giáo dục cọ xát khó khăn.
Con chỉ có thành tích học tập cao chưa chắc sau này đã là người đạt được thành tựu to lớn.
– Bạn phải chôn chặt ý nghĩ con mình là giỏi nhất trong lòng, đừng làm cho chúng nảy sinh bất kỳ ý nghĩ tự cao tự đại nào.
Khi con gặp khó khăn, cha mẹ đừng ngại để con tự giải quyết.

(Trích từ cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” ) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *