Phần 8: Biết làm việc nhỏ mới có thể làm việc lớn

Những đứa trẻ không được cha mẹ dạy làm việc nhà, lớn lên sẽ có “Năng lực làm việc kém, nói như rồng leo, làm như mèo mửa’’

Trích từ sách viết về câu chuyện dạy con của bà mẹ Do Thái với tựa đề “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”

Theo phụ huynh Israel, muốn bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn độc lập của con, trước hết phải bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhà. Như thế thì dẫu con có đi khắp năm châu bốn bể, phụ huynh cũng không cần lo lắng cho cuộc sống của chúng.
Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh Trung Quốc đào tạo ra “thế hệ ăn bám” đã thua ngay từ điểm này. Vì yêu con nên chúng ta không nỡ để bàn tay nhỏ xinh của chúng dính bẩn, không nỡ chiếm dụng thời gian học tập quý báu của chúng vì sợ làm ảnh hưởng tới thành tích thi cử. Thật tình chúng ta không biết rằng, dạy con làm việc nhà chính là bước đầu dạy kỹ năng sinh tồn cho con.

Nhà giáo dục học Do Thái tổng kết: Đứa trẻ không được cha mẹ dạy làm việc nhà, lớn lên sẽ có một số biểu hiện không tốt như sau:
Năng lực làm việc kém, “nói như rồng leo, làm như mèo mửa’’.
Tính ỷ lại cao, thiếu tự chủ.
Không hiểu được thành quả lao động không dễ gì đạt được, không hiểu được sự vất vả của cha mẹ.
Không có lòng cảm thông.

Đến nay tôi vẫn nhớ, trên tạp chí Giáo dục gia đình của Israel mà tôi đặt mua từng đưa tin về một cuộc điều tra cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp giữa những đứa trẻ thích làm việc nhà và những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 1:15, tương tự như vậy tỷ lệ phạm tội là 1:10, còn thu nhập bình quân của đứa trẻ thích làm việc nhà cao hơn những đứa trẻ không thích làm việc nhà là 20%.

Căn cứ vào thời gian biểu thông thường của các gia đình Do Thái, tôi làm một tờ lịch trực nhật, dán lên bức tường trong nhà. Trên đó quy định, ngày hôm nay ai giặt quần áo, nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Sau cuộc “họp gia đình” các thành viên đều thống nhất ý kiến, ngoài ra chúng tôi còn bầu ra “trưởng ban trực nhật” phụ trách ba nhiệm vụ chính sau: Một là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa như lau sàn nhà, rửa bát; hai là lên lịch xem ngày hôm nay ăn gì, việc nấu nướng do tôi đảm nhận; ba là bố trí hoạt động “đối ngoại” trong ngày của cả nhà, có thể là ra ngoài chơi hoặc là đi thăm hỏi người thân, bạn bè…

Con trai cả Dĩ Hoa làm “trưởng ban trực nhật” ngày đầu tiên, nó dậy sớm lau sàn nhà, mua bánh mì làm bữa sáng, còn hùng hồn tuyên bố bữa tối cả nhà ăn rau cải bắp xào và một món canh. Về hoạt động đối ngoại thì sau bữa tối cả nhà bốn người chúng tôi cùng đi dạo công viên ở gần nhà. Trước khi đi ngủ, “trưởng ban trực nhật” còn trịnh trọng viết nhật ký trực nhật, ghi lại những điều tâm đắc. Trông thấy mọi người đang đánh răng rửa mặt, “trưởng ban trực nhật” cố tình nhắc nhở: “Mọi người không được dùng quá nhiều nước, phải biết tiết kiệm nước.” Dĩ Hoa chọc cả nhà cười nghiêng ngả.

Sau khi thực hành chế độ “trưởng ban trực nhật”, tôi nhận thấy bọn trẻ đều rất giỏi, chúng không hề ngốc nghếch chút nào. Khi gặp vấn đề rắc rối, chúng không hề tỏ ra lúng túng, mà rất biết động não suy nghĩ, tìm cách giải quyết sự việc.

Nghĩ lại, hồi ở Thượng Hải, tôi vẫn là bà mẹ bảo mẫu, chăm lo mọi việc cho con. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi thường hò các con: “Mau lên giường đi ngủ, mẹ sẽ thu dọn sách vở cho.” “Con trai, bít tất con cởi ra để đâu rồi, mang ra đây mẹ giặt cho nào.” Đến khi tiếp nhận quan niệm giáo dục gia đình của Israel, tôi đã thuận theo thời thế và thay đổi phương pháp giáo dục của mình.

Để giúp tôi giảm bớt gánh nặng việc nhà, Dĩ Hoa và Huy Huy đều tự giặt quần áo của mình, ngay cả khi bài vở chồng chất, thật sự không lấy đâu ra thời gian giặt quần áo, chúng cũng biết ngâm quần áo vào nước, chà xà phòng vào cổ áo, vò gần sạch rồi để đấy. Đến lúc giặt lại, tôi thấy quần áo của các con đều rất sạch, về sau mới hay chúng đã vò qua những chỗ bẩn nhất, khó vò nhất trên quần áo của mình. Chúng ngâm quần áo cũng rất có mẹo, chúng nghĩ đủ mọi cách giúp mẹ giảm bớt cường độ lao động, sau khi đổ xà phòng chúng ngâm vạt áo trước xuống dưới cho ngấm nhiều xà phòng hơn.

Tất nhiên, lúc đầu lịch trực nhật do tôi đặt ra được thực hiện không mấy suôn sẻ, vì bọn trẻ thường hay ganh tỵ nhau. Ví như một lần Huy Huy trở về nhà sau tiết học thể dục, thằng bé bị ngã xước bàn tay trong lúc đá bóng nên không thể rửa bát được, nó nài nỉ Dĩ Hoa:
“Anh ơi, hôm nay anh rửa bát thay em nhé.” Dĩ Hoa nhanh ý đáp: “Ừ, không vấn đề gì, hôm nay anh tạm thời rửa thay em, nhưng ngày mai em phải rửa hai ngày liền.”

“Không được,’’
Huy Huy lanh chanh: “Thời gian là vàng bạc. Hôm nay anh rửa thay em rồi tức là chuyện này đã qua rồi.” Dĩ Hoa hậm hực: “Thế không phải là em quá vô lý sao?”

Lúc này, tôi làm mẹ, phải đứng ra dàn xếp, tôi nói: “Thế này được không, Huy Huy? Tay của con bị xước, hôm nay không thể rửa bát. Nhưng anh rửa bát xong rồi con giúp anh lau khô bát, không sao chứ, lau bát không làm ảnh hưởng gì tới tay con mà.”
Sau đó, tôi lại quay sang vỗ về Dĩ Hoa: “Nếu hôm nào con không khỏe, mẹ và em con sẽ giúp con hoàn thành công việc.”

Tôi không ngạc nhiên với những lời đấu khẩu ranh mãnh của hai đứa nó, vì trẻ con vốn vậy mà.
Từ khi Dĩ Hoa, Huy Huy và Muội Muôi luân phiên trực nhật, giữa mẹ con tôi ngầm hình thành nên một giao ước nho nhỏ.
Đó là sáng chủ nhật hàng tuần, tôi sẽ ngủ nướng một chút. Vì thế, bọn trẻ dậy sớm, tự giải quyết bữa sáng. “Trưởng ban trực nhật” ngày hôm đó sẽ tự lấy sữa chua và bánh mì trong tủ lạnh ra, rán thêm trứng gà, làm một bữa sáng hoàn chỉnh. Sau đó bọn trẻ ăn trước, còn phần lại một suất cho tôi.

Có hôm vào sinh nhật của tôi, tôi vốn lên kế hoạch đưa cả nhà ra ngoài ăn, không ngờ bọn trẻ lại nói với tôi bằng điệu bộ thần bí, chúng muốn làm tiệc sinh nhật cho tôi ở nhà, hơn nữa còn làm món thịt bò bít tết.
Bọn trẻ thắt tạp dề của tôi, chúng bắt chước từng động tác hằng ngày của tôi y như thật. Chúng “lệnh’’ cho tôi không được phép mó tay vào việc gì, chỉ cần ở bên cạnh quan sát là được rồi. Thế là tôi vui vẻ đứng xem bọn trẻ làm thế nào.

Lần đầu tiên nấu bữa tiệc sinh nhật phức tạp này, các con tôi không khỏi lúng túng, vụng về. Khi nướng thịt bò, do chưa tự điều chỉnh được độ nóng của ngọn lửa nên dầu chưa sôi, bọn trẻ đã vội bỏ thịt bò vào. Rút kinh nghiệm từ miếng thịt bò đầu tiên, đến miếng thịt bò thứ hai chúng đã làm suôn sẻ hơn nhiều, thịt chín rất đều. Tôi lặng nhìn bốn miếng thịt bò bít tết được sắp ngay ngắn trong đĩa, tỏa mùi thơm phức, trong lòng ấm áp khó tả.

“Mẹ, mau nếm thử đi, mùi vị thế nào ạ?” Chưa kịp nói gì, bọn trẻ đã gắp một miếng thịt bò bỏ vào miệng tôi, nhanh như cắt, chúng mỉm cười tự hào nhìn tôi ăn. Tôi giơ ngón tay cái lên nói: “Mùi vị rất tuyệt!”
Thực hiện chế độ “trưởng ban trực nhật”, hoặc thỉnh thoảng cố tình làm người cha người mẹ lười nhác đều là cách yêu thương con sáng suốt.

Trong quá khứ, tôi là một vị phụ huynh hoàn hảo, sau khi nâng cấp phương pháp yêu con, điểm số của tôi từ 100 điểm tụt xuống 80 điểm. Hai mươi điểm còn thiếu chạy đi đâu mất rồi? Không phải là nó bị người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ, mà nó được người mẹ thông minh giấu nhẹm đi. Đôi khi, bạn càng trở thành một vị phụ huynh “lười biếng”, con cái bạn càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Các con tôi lớn lên trong điều kiện kinh tế gia đình bình thường. Nếu như nói sự chăm chỉ, chịu khó của chúng được tạo ra từ thực tế cuộc sống, thì đến cô cháu gái Bối Bối, tôi phải chủ động tạo ra việc làm cho nó.
“Bối Bối, thấy bà làm gì thì Bối Bối làm theo thế ấy nhé?”
“Vâng ạ!” Bối Bối nhanh nhảu đáp.
Khi cô cháu gái còn nhỏ, tôi giảng đạo lý yêu lao động, nó không hiểu được. Tôi thấy dạy nó bằng những hành động làm gương của người lớn mang lại hiệu quả hơn.
Khi tôi rửa bát, tôi cho Bối Bối cầm một bát nhựa nhỏ, bảo con bé nhìn xem tôi rửa như thế nào, rồi rửa cùng tôi.

Dần dần, Bối Bối hình thành cho mình thói quen yêu lao động. Hễ thấy tôi vào bếp, nó lại líu lô chạy vào giúp bà.
Đôi khi tôi cho con bé bê xoong nồi, ghế đẩu, tất nhiên nồi con bé bê là nồi không, nếu không thức ăn trong nồi sẽ trào ra ngoài mất.
“Bà ơi, bà nhìn cháu bưng nồi này!” Bối Bối rối rít khoe tư thế bê nồi.
Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, nhà bếp là “khu vực cấm” đối với trẻ em.
“Đừng vào đây, nguy hiểm lắm.”
“Trong này chỉ toàn mùi dầu mỡ, con mau ra ngoài đi.”

Khi trẻ tò mò muốn vào bếp xem xét, thường bị cha mẹ ngăn ở ngoài. Có người mẹ trẻ nói với tôi rằng: “Đừng nói là trẻ con, ngay đến em cũng chẳng vào bếp nữa là. Từ nhỏ tới lớn đều là mẹ em nấu cơm, sau này em lấy chồng rồi sinh cháu, bọn em chuyển về sống với cha mẹ hoặc thỉnh thoảng đi ăn hàng, em thấy làm vậy cũng chẳng sao cả. Sau này cháu lớn, có lẽ nó cũng ăn thức ăn nhanh, ai còn có thời gian rảnh rỗi mà chui vào bếp nữa. Hiện tại sự phân chia lao động trong xã hội ngày càng cụ thể, mọi người không nhất thiết phải biết nấu nướng đâu chị.”

So sánh các bà mẹ Trung Quốc kéo con ra khỏi bếp với các bà mẹ Do Thái khuyến khích con vào bếp, chúng tôi nhận thấy: Con người muốn sinh tồn, bắt buộc phải có cơ sở vật chất, mà ăn uống chính là nền tảng của cơ sở đó.

Trong trường hợp đảm bảo an toàn, chúng ta có thể bảo con nhặt rau, rửa rau, như thế cũng sẽ khiến chúng cảm thấy mình được người lớn tin tưởng hơn. Điều đó giúp con trẻ vun đắp cảm giác an toàn, lòng tự tin và tính độc lập. Không riêng gì các bà mẹ Do Thái, tôi nghe nói tại Nhật Bản, người ta còn mở nhiều lớp “cha mẹ dạy dỗ con trẻ.” Mỗi lớp học có khoảng sáu gia đình tham gia. Lũ trẻ sẽ học cách nấu nướng dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của phụ huynh. Ví dụ, cha mẹ dạy con đập trứng gà như thế nào thì vỏ trứng sẽ không rơi vào bát, hay không được dùng xà phòng rửa vỏ sò… Đối với việc vo gạo, rửa rau, thái rau… con sẽ mặc tạp dề, đeo găng tay, phụ huynh cầm tay hướng dẫn con thái cà rốt thành từng sợi nhỏ.

Làm việc nhà là rèn luyện kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất. Phụ huynh Do Thái khuyến khích con em mình tích cực tham gia làm việc nhà như: thu dọn giường, đổ rác trong thùng, quét dọn vệ sinh trong phòng giặt quần áo, nhổ cỏ ngoài sân. Họ cho rằng, đứa trẻ có kỹ năng làm những việc này thì cũng có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nhà cửa. Đồng thời họ cũng cho rằng, để trẻ gánh vác một phần việc nhà là giúp bồi dưỡng quan niệm gia đình và tinh thần trách nhiệm của chúng đối với gia đình, tăng khả năng gắn kết giữa các thành viên.

PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÀ CHO TRẺ 
Phụ huynh có thể liệt kê danh sách công việc theo cấp độ tăng dần tương ứng với từng độ tuổi của trẻ, qua đó dạy trẻ chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Dưới đây là những công việc trẻ có thể làm được.

Trẻ từ ba đến bốn tuổi:
• Đánh răng
• Giúp cha mẹ cất quần áo và đồ dùng gọn gàng
• Dọn dẹp phòng ở và thu xếp đồ chơi
• Bỏ quần áo bẩn vào máy giặt

Trẻ từ bốn đến năm tuổi:
• Tưới nước cho cây trong nhà
• Giúp cha mẹ lau bàn
• Giúp người lớn lấy một vài tờ báo

Trẻ từ sáu đến tám tuổi:
• Biết làm hầu hết các công việc vệ sinh cá nhân
Quét dọn, lau sàn nhà trong phòng của mình
• Mang rác xuống thùng rác dưới nhà
• Biết dọn bàn ăn
• Bỏ đồ linh tinh vào nơi thích hợp
• Sắp xếp giường chiếu của mình

Trẻ từ chín đến mười hai tuổi:
• Tự làm tất cả các công việc vệ sinh cá nhân
• Lau chùi đồ dùng trong nhà
• Giặt một số quần áo
• Lau sàn nhà phòng khách
• Giúp mẹ nhặt rau, rửa rau trong phòng bếp

Trẻ từ mười ba đến mười lăm tuổi:
• Chuẩn bị bữa cơm cho các thành viên trong gia đình
• Giặt giũ toàn bộ quần áo của mình
• Giúp cha mẹ hoàn thành một vài việc khá rắc rối
• Dự toán tiền cho mình
• Lựa chọn mua sắm quần áo
• Làm một số công việc ở khu vực lân cận
• Là quần áo

Trẻ từ mười sáu tuổi trở lên:
• Làm thuê kiếm tiền ở bên ngoài
• Đi du lịch dưới sự quản giáo của người lớn
• Lập kế hoạch đạt trình độ học vấn cao
• Tự lo liệu chuyện ăn mặc của cá nhân
• Lên kế hoạch và chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà

GIÁO DỤC SINH TỒN VỚI GIÁO DỤC KỸ NĂNG 
Nguyên tắc có làm có hưởng là tinh hoa giáo dục sinh tồn của người Do Thái, nó thu được hiệu quả thực tế rất tốt, khiến con cháu của người Do Thái trở nên tài giỏi và giàu có, dù phiêu bạt đến bất cứ nơi nào, sự nghiệp của họ cũng như diều gặp gió.

Theo tư tưởng Do Thái, các loại kỹ năng được dạy trong trường học như âm nhạc, vũ đạo, hội họa và quần vợt, tất nhiên cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhà trường không thể cung cấp cho trẻ một môi trường huấn luyện kinh nghiệm sống. Vì vậy đối với vấn đề giáo dục, phụ huynh Do Thái gạt bỏ rất nhiều thứ phù phiếm, họ coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ đều có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy thể chế giáo dục ở Israel rất hoàn chỉnh, nhưng phụ huynh không đẩy hoàn toàn trách nhiệm dạy trẻ cách sinh tồn cho nhà trường. Họ cho con em mình luyện tập nhiều lần trong gia đình, dạy trẻ theo nguyên tắc có làm có hưởng. Cha mẹ liệt kê việc vặt và công việc hằng ngày trong gia đình, mỗi việc ứng với một khoản tiền nhất định, con làm việc tùy vào khả năng và thời gian của mình, sau khi hoàn thành công việc, con sẽ được nhận thù lao.

Khi thực hiện cơ chế này, mỗi đứa trẻ đều giỏi giang hơn những gì cha mẹ chúng tưởng tượng, chúng có ý thức thời gian, ý thức của cải và ý thức trách nhiệm hơn. Nhiều gia đình Israel cũng chỉ sinh một đứa con duy nhất, nhưng nếu nó không chịu làm việc nhà, cha mẹ sẽ không dung túng. Họ đấu chí đấu dũng với nó, ví dụ như mời con nhà hàng xóm, con bạn bè hoặc bạn học của nó đến làm việc nhà, cho những người bạn nhỏ khác kiếm đồng tiền vẻ vang.

Phương pháp giáo dục của người Do Thái khiến tôi nhìn ra mặt khác của sự việc, qua việc kết giao với bạn bè tại quê hương, dần dà tôi hiểu tại sao người Do Thái thông minh như vậy, tại sao dân tộc chỉ chiếm 0,3% dân số thế giới lại thao túng nền kinh tế toàn cầu, họ không dựa vào chỉ số IQ cao, tất cả là nhờ vào sự tiếp cận giáo dục gia đình từ thuở nhỏ. So sánh với các gia đình Trung Quốc hiện nay, chỉ cần con chịu nghe lời cha mẹ, học tập thật tốt thì sẽ được cha mẹ thưởng cho bất cứ thứ gì. Cho nên con em họ mới thiếu những trải nghiệm thực tế, không cảm nhận được mối liên hệ vô cùng quan trọng giữa học tập và gia đình, cuộc sống. Thậm chí rất nhiều con trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học vẫn không biết cách kiếm kế sinh nhai, thành gia lập nghiệp như thế nào.

Rất nhiều việc, đi trước 1 bước thì sẽ thành công.
Thật ra, kích thích sự nhiệt tình của bọn trẻ không có gì là khó, quan trọng là những người làm phụ huynh như chúng ta có chuẩn bị sẵn sàng quan niệm và hành động hay không. Vả lại, đa phần trẻ em vốn thông minh, nhạy cảm, chúng có năng lực quan sát, tinh thần học tập cao hơn những gì ta tưởng. Nếu không, vì sao có nhà giáo dục học lại nói: Không có đứa trẻ hư, chỉ có cách giáo dục chưa phù hợp? Ba đứa con của tôi tiếp xúc nhiều với trẻ em Israel, thấy các bạn cùng trang lứa thường tự lo liệu một vài khoản chi tiêu nhỏ, tuy không nói ra nhưng trong lòng chúng cũng rất khâm phục, rất hâm mộ những người bạn ấy.

Ví dụ như đứa con trai cả Dĩ Hoa và con trai thứ Huy Huy của tôi. Hai đứa nó đều do tôi mang nặng đẻ đau, song giống như một bàn tay cũng có ngón ngắn ngón dài, cá tính và ưu thế của hai đứa hoàn toàn khác nhau. Dĩ Hoa khá thông minh nhưng hơi chây ì, tôi muốn dùng nguyên tắc có làm có hưởng kích thích kỹ năng sinh tồn tích cực trong nó. Còn Huy Huy là đứa hướng ngoại, giỏi giao tiếp, tôi muốn dùng nguyên tắc này để dẫn dắt kỹ năng giao tiếp của nó đi theo con đường phát triển đúng đắn. Là người mẹ, tôi phải bình tĩnh nắm bắt được xu hướng của các con, giúp chúng tìm được phương hướng và vị trí thích hợp trong cuộc đời của mình.

Khi tôi tuyên bố nhà mình cũng phải triển khai nguyên tắc có làm có hưởng, bọn trẻ xắn tay áo lên, hào hứng muốn thử. Thực tế chứng minh, rất nhiều việc không hề đơn giản như những gì chúng nghĩ, song trong quá trình khắc phục khó khăn, chúng thật sự cảm nhận được cuộc sống là gì, mục đích sống là gì, điểm số và trình độ học vấn có thể giúp chúng thực hiện ước mơ như thế nào.

Thông qua những quyết định được đưa ra trong cuộc họp gia đình, bọn trẻ bắt đầu giúp tôi bán nem rán. Khi đó, tôi vẫn không dám bỏ mặc cho bọn trẻ làm việc ở ngoài tầm quan sát của mình, chúng đã muốn lao động kiếm tiền, vậy thì trước hết hãy làm thuê cho tôi.

Mỗi ngày, tôi làm một đến hai trăm cái nem rán bán cho bọn trẻ, mỗi cái trị giá 30 agorot (100 agorot bằng 1 shekel và 1 shekel tương đương với 2 nhân dân tệ), chúng có thể tự nâng giá bán, tự do chia lợi nhuận. Nếu không muốn bán hàng, chúng có thể ở nhà giúp tôi làm nem, có điều hoa hồng ít hơn.

Tôi làm một phép tính như thế này, một cái nem rán có giá 0,3 agorot, người làm ra một cái nem rán được hưởng 10% giá thành, tức là kiếm 0,1 agorot. Còn người bán được một cái nem rán, hưởng 20% giá thành, kiếm 0,2 agorot. Bán nem rán rèn luyện kỹ năng sinh tồn tốt hơn là làm nem rán, vì nó đòi hỏi bọn trẻ phải tiếp xúc với những người lạ, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm hơn và cũng có nhiều đóng góp hơn đối việc bán nem rán của gia đình. Vì vậy, tôi đặt ra quy tắc cho các con dựa theo phương thức làm ăn buôn bán chân chính.

Sau khi đặt ra quy tắc, Dĩ Hoa và Huy Huy tự phân chia công việc. Dĩ Hoa là người hướng nội, nó nhận thấy việc bán nem rán cần phải xuất đầu lộ diện, đối với nó mà nói là việc vô cùng đau khổ, cho nên nó chủ động nói nó muốn ở nhà giúp tôi làm nem rán.

Tôi duy trì phép tắc trong gia đình, nhưng tôi cũng không can thiệp vào sự lựa chọn của con cái. Tôi bảo Dĩ Hoa: “Làm nem rán yêu cầu hằng ngày con phải dậy sớm một tiếng, nhưng hoa hồng ít, kiếm được ít tiền tiêu vặt hơn.” Dù vậy, Dĩ Hoa vẫn bằng lòng nhận nhiệm vụ này, tôi tin thằng bé sẽ làm rất tốt.

Huy Huy thì hướng ngoại, nó hí hửng nói: “Mẹ ạ, con đi bán nem rán! Bán nem rán mỗi ngày được ngủ nhiều hơn làm nem rán một tiếng đồng hồ, lại còn kiếm được nhiều tiền gấp đôi nữa.”
Thấy em trai thử sức với công việc khó khăn hơn, Dĩ Hoa cũng hơi phân vân do dự, nhưng vẫn khá bảo thủ và giữ lại cho mình một đường lùi, nó mặc cả với tôi: “Mẹ, con có thể vừa làm nem rán, vừa thử bán nem rán được không ạ?”
“Đương nhiên là được!” Tôi ủng hộ ý kiến hợp lý của con.

Còn cô út chưa đầy bốn tuổi của tôi vừa thấy hai anh tham gia vào kế hoạch mới của gia đình, cũng hớn hở chạy tới đòi tham gia.
“Em phụ trách việc trải bánh đa nem hằng ngày!” Dĩ Hoa trực tiếp giao việc cho em gái. Công việc trải bánh đa nem, cụ thể là gỡ những cái bánh đa nem đang dính liền vào nhau. Con bé rất hài lòng với công việc này.

Sau khi đưa ra quy tắc có làm có hưởng, bọn trẻ bắt đầu chia nhau hành động.
Dĩ Hoa chưa làm nem rán bao giờ, nên không biết làm bánh đa nem như thế nào, ban đầu nó lấy bột mỳ làm thử. Nhưng Dĩ Hoa rất kiên nhẫn, nó quan sát tỉ mỉ cách tôi làm nem rán, sau đó tự nhốt mình trong bếp, sau khi dùng hết ba cân bột mỳ, nó bưng ra một đĩa nem rán, mừng rơi nước mắt: “Mẹ, năm cái tất cả, con kiếm được 0,5 agorot rồi.”

Về sau, khi sự nghiệp của Dĩ Hoa thành công, nhớ lại quãng thời gian làm nem rán, nó xúc động nói: “Nhào bột cũng là một nghệ thuật, không được đặc quá, cũng không được nhão quá, mềm dẻo như mặt gấm mới là tốt nhất.”

Huy Huy nhận việc bán hàng, liệu thằng bé có hoàn thành nhiệm vụ không?
Mới đầu, tôi đi theo sau Huy Huy, không phải vì tôi lo cho sự an toàn của nó, mà tôi lo ngộ nhỡ việc bán hàng không được thuận lợi, thì nó sẽ có những ý nghĩ tiêu cực. Làm người mẹ, tôi phải lo trước tính sau, trước khi để con ra khỏi nhà, tôi nắm chặt bàn tay nó rồi mới từ từ buông ra.

Quả nhiên không nằm ngoài dự liệu, Huy Huy xách làn nem rán, trong lòng nơm nớp lo sợ. Bình thường thằng bé hướng ngoại, nhanh nhẹn hoạt bát, hay nói hay cười, gặp người lạ nó cũng biết ứng xử ra sao. Nhưng lần đầu tiên đi bán hàng, nó đứng ngây ra nhìn dòng người và xe cộ tấp nập qua lại, không cất nổi lời mời.

Đây chính là khác biệt giữa trẻ em Trung Quốc và trẻ em Israel. Đối với trẻ em Do Thái mà nói, giao tiếp mặt đối mặt với khách hàng là chuyện hết sức bình thường. Ở cổng khu chung cư, tôi thường xuyên gặp rất nhiều trẻ em Do Thái bán đồ chơi và sách second hand của mình, chúng luôn nói chuyện vui vẻ, thoải mái với người khác, thể hiện kỹ năng thuyết phục rất có sức hút.

Vạn sự khởi đầu nan. Huy Huy thoáng có ý nghĩ rút lui, nó quay đầu nhìn tôi đang đứng ở góc phố. Tôi đi tới, dùng ánh mắt khích lệ Huy Huy như nói với nó rằng: Không sao đâu con, đó chỉ là khởi đầu thôi.

Trước mắt Huy Huy là một cửa hàng bán đồ dùng trẻ em, nó lấy hết dũng khí bước vào bên trong. Ông chủ cửa hàng đang rất bận, Huy Huy kiên nhẫn đứng qua một bên, đợi ông chủ bán hàng xong, nó mới đi lên phía trước giới thiệu nem rán của mình. Đáng tiếc, ông ta không thích nem rán, nhẹ nhàng xua tay biểu thị không mua. Tuy ông ta từ chối rất khéo, nhưng người lớn chúng ta gặp chuyện này cũng lúng túng khó xử nữa là trẻ con.

Huy Huy không nhụt chí, bởi ở nhà tôi đã cho nó một phương án dự phòng. Tôi bảo thằng bé: “Bán nem rán không phải là việc dễ, ngay đến mẹ đôi khi cũng không bán được, cho nên con đừng tự gây áp lực cho mình, chỉ cần con cố gắng hết sức là tốt rồi.” Ngoài ra, tôi còn dạy cho thằng bé một số quy tắc giao tiếp thông thường.

Sau này Huy Huy nói với tôi rằng, công tác chuẩn bị đó rất có tác dụng. Khi bị ông chủ cửa hàng bán đồ dùng trẻ em từ chối, cảm thấy vừa ra quân đã bất lợi, nó rất thất vọng, nhưng ngay sau đó nó chợt nhớ lại những lời mẹ nói với mình, nên lễ phép thưa: “Bây giờ bác không mua cũng không sao ạ, khi nào bác có nhu cầu hay cuối tuần tụ tập muốn ăn nem rán, cháu sẽ mang nem rán đến tận nơi cho bác. Bác cũng có thể đặt hàng trước, nhà cháu không chỉ làm nem rán mà còn có rất nhiều món ăn vặt khác của Trung Quốc nữa ạ.”

Huy Huy tiếp tục đi về phía trước, nhà thứ hai nó bước vào là cửa hàng tạp hóa. Trong cửa hàng tạp hóa bán các loại đồ ăn vặt, thức uống và một ít đồ dùng văn phòng phẩm. Chủ cửa hàng trông thấy Huy Huy xách làn đi vào, niềm nở hỏi: “Cậu bé Trung Quốc, cháu muốn mua thứ gì à?” Hồi đó chỉ có một mình gia đình tôi là người Trung Quốc sống ở thành phố Kiryat Shmona, cho nên mọi người đều rất chú ý.

Huy Huy làm theo những gì thằng bé đã diễn trước ở nhà cho tôi xem, nó kính cẩn chào: “Cháu chào cô! Cô có muốn nếm thử nem rán Trung Quốc không? Ở đây có nem rán Trung Quốc do mẹ cháu làm, ăn rất ngon, nhất định cô sẽ thích cho mà xem.” Chủ cửa hàng tạp hóa là một người phụ nữ Do Thái ngoài bốn mươi tuổi, rất nhã nhặn và tốt bụng, cô ta khen Huy Huy rất giỏi và còn mua hai cái nem rán.

Lần đầu tiên Huy Huy bán được hàng ấy là vào năm mười ba tuổi, thằng bé từng do dự đứng ngoài cửa hàng, từng không thể mở lời. Nhưng nó đã vượt qua cửa ải này, ánh mắt nó như sáng bừng lên.

(Trích từ cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” ) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *