Mẹ sẽ lựa chọn thái độ nào với con trẻ để dạy trẻ nên người?

Con vấp phải cái bàn té đau mẹ nói “cái bàn này hư quá làm con đau mẹ đánh cho”, con ốm mẹ nói “con bệnh rồi tội nghiệp con quá” con ăn bỏ mứa mẹ nói “con ráng ăn hết đi mẹ thương”.

Có bao nhiêu bà mẹ đã nói, quen nói, hay nói với con như vậy?

Mà không biết rằng “chính mẹ đang lựa chọn thái độ sống cố chấp – ích kỷ” với cách nhìn nhận sự việc theo kiểu sai trái lỗi phải gì là do người khác rất còn mình là đúng, mình là nhất.

Ví dụ từ câu chuyện 2 anh em “đầu gấu” ở nhà chị Bé qua giờ nha 🙂 

Thái độ của mẹ khi trẻ té đau
Sáng nay, nàng đầu gấu chạy vấp phải cái chân bàn trong phòng khách, té cái đụi úp mặt xuống nhà khóc ỏm tỏi. Mẹ chạy tới đỡ dậy, nường ta khóc càng bạo hơn vừa khóc vừa chỉ tay nói “cái bàn hư, mẹ cái bàn hư làm con đau mẹ đánh đi”.

Đây là cái kiểu ăn vạ học theo cách mà các bác giúp việc hay dỗ nàng ấy, mà mẹ đã nhắc nhở các bác nhiều lần “là không được dạy con nít cứ cái gì là đổ thừa cái này cái kia sẽ khiến nó sinh tật hay méc hay đổ thừa”.

Khi bé té ngã nên cho bé hiểu được nguyên nhân từ đâu hơn là chỉ dỗ dành (Ảnh internet)

Nên mẹ mới nói với con gái là “Không phải cái bàn hư mà là tại con chạy nhanh rồi trúng cái bàn mới té đau á, cái bàn đâu có chân đâu có chạy trúng con được? Do con chạy trúng cái bàn mà? Nên mai mốt con đường chạy nhanh vậy nữa nha sẽ bị té rất đau rồi chân chảy máu làm sao?”.

Nghe xong nường ta chưa chịu, chỉ tay và cứ nói “cái bàn hư”
Mẹ cũng không chịu, nhắc lại mấy lần “không phải tại cái bàn, cái bàn đâu có chân đúng không? tại con chạy trúng cái bàn mới té mà …”
Sau 2 -3 lần mẹ vừa giải thích vừa chỉ thì con gái mới chịu, khóc rấm rức nói lại lời của mẹ là “không chạy nữa sẽ không té trúng bàn nha mẹ”.

Thật ra, cách đổ lỗi và đánh cái bàn, cái ghế khi trẻ vấp ngã là kiểu xót con thường gặp của mọi người. Con té ai mà không xót? bà mẹ nào có con rồi mà con không là nhất?
Nói như chị Bé thì “chồng có thể bỏ chứ con thì không bao giờ nha”  🙂 
Nhưng thương con không phải là chiều hư con, hay cái gì cũng che chở cũng chăm trẻ như trứng, con bị vấn đề gì thì cứ đổ lỗi sang nơi khác còn con mình là đúng là nhất. Vậy sẽ khiến trẻ “hỏng” ngay từ nhỏ, lớn hơn đừng hòng mà dạy nổi.

Đừng để yêu thương con thành hại con

Như chị Bé hay nói là “con ai mà không thương ai mà không quý? làm như có mỗi mình mình biết thương con á” khi thấy một bà mẹ đang bênh con chiều con quá mức.

Thương con nhiều chừng nào thì càng phải nghiêm túc trong việc dạy con chừng ấy, không phải thương yêu con là luôn chiều chuộng, làm theo mong muốn của trẻ. Sẽ làm hư trẻ, phá hỏng tính cách và cả tương lai con trẻ chứ từ tình thương không phù hợp ấy.

Thái độ của mẹ khi con bệnh

Không nên nói với trẻ “con bệnh rồi tội nghiệp con quá” khi trẻ ốm. Mấy lần nàng đầu gấu mọc răng bị sốt, hay lúc bị cảm ho sổ mũi nhẹ thì bố nó và các bác giúp việc loạn lên 🙄 cả nhà ai cũng cưng vậy là xúm vào ôm ấp thôi rồi luôn :-?.

Càng chiều bé sẽ làm bé mè nheo hơn (Ảnh internet)

Nhưng mỗi khi các bác osin nói câu “em bệnh rồi tội nghiệp em quá” là mẹ sẽ nhắc ngay không được nói vậy trước mặt con, “nó nghe nó sẽ càng nhõng nhẽo” sau này đụng tí chuyện thì mèo nheo ra …

Có mẹ nào đọc xong nói chị Bé kỹ tính quá xét nét quá con nít có biết gì đâu?
Biết hết nha! Trẻ mấy tháng tuổi đã có thể phân biệt nhận biết sự chiều chuộng của mọi người. Như với con gái, khi bác nào nói vậy thì nường ta càng tỏ vẻ “mặt mày thảm não hơn” 😥  mếu máo đòi mẹ hay bố bế ngay. Còn khi mẹ nói là “em bệnh rồi em đang sốt nè, vậy là không thể đi siêu thị, không đi ăn sáng với bố mẹ được đâu, không ăn kem được luôn, em muốn nhanh hết bệnh không?”

Nàng ta nghe vậy là gật đầu ngay và khi mẹ dụ “con uống thuốc ngoan sẽ nhanh hết bệnh để được đi siêu thị, được ăn kem, không thì các em bé khác ăn hết á”  là “em ấy” hết dẹo chịu uống thuốc dễ dàng hơn ngay.

Đừng nói “con ráng ăn hết đi mẹ thương”
Câu này không khi nào chị bé nói với con mình. Mà thường nói cho con hiểu “ăn là quyền lợi là được ăn” được mẹ cho ăn, chứ không phải ăn giùm mẹ giùm bố như kiểu “mình là nhất cả nhà ai cũng năn nỉ mình ăn uống” chính là dạy hư trẻ.

Như giờ, hôm nào con gái nhõng nhẽo không chịu tự ăn đòi mẹ hay bố đút cho, mẹ kêu “anh hai” của nàng ấy lại rồi nói “con không ăn mẹ cho anh ăn hết luôn nha” vậy là hoảng giật lại dành lấy tự ăn ngay :-P.

Mới hôm qua mẹ vừa la một bác giữ em khi phát hiện ra việc bác ấy đã bế con gái ra đường đút ăn. Mẹ không cho kêu lại mắng cả 2 bác cháu, bác nói “hôm giờ cho ăn ở nhà em không chịu ăn, đòi ẳm ra đường chơi mới ăn”. Mẹ điên tiết kêu không ăn thì cho nhịn đói luôn và bắt bỏ xuống ngay không bế ra ngoài ăn nữa. Sau đó, nàng ta khóc toáng lên úp mặt xuống nền nhà ăn vạ đòi đi chơi. Mẹ cầm roi ra phát một cái rõ kêu xuống bàn, bắt ngồi xuống tự xúc ăn, con gái không chịu thì nói bác mang chén cơm đi đưa cho anh ăn, vậy là con gái với tay kêu “trả lại con” giành lấy bát cơm ngồi ăn :-D.

Chiều con bằng việc ẵm đi ăn rong sẽ làm bé càng ỉ lại và khó dạy (Ảnh internet)

Nên, đừng suy nghĩ là “con mình không chịu thế này thế kia” hay con mình bướng lắm, lì lắm, đánh không sợ, năn nỉ cũng không nghe …
Tất cả là do cách dạy, cách nhìn nhận sự việc và suy nghĩ thế nào trong việc dạy con của các bà mẹ. Có câu “Khi muốn người ta sẽ tìm cách, khi không muốn người ta sẽ tìm lý do”.

Việc dạy con cũng vậy, quan trọng là mẹ mong muốn đến cỡ nào để có quan điểm và quyết tâm dạy con theo cỡ ấy. Cả chị Bé cũng vậy, nhiều lúc bỏ qua mắt nhắm mắt mở vài tuần mà thấy “thằng anh trai” hay “nàng đầu gấu” có dấu hiệu đổ lì ra với các bác giúp việc như là: quên chào, quên dạ thưa, quần áo bỏ lung tung, ăn cơm trong phòng, hay con gái lại dẹo hơn đòi bế xuống lầu không chịu tự đi, tự ý với lấy thức ăn trên bàn, … là mẹ lại phải chỉnh lại cho vào nếp ngay chứ không thể “thôi kệ” tiếp tục được.

Với trẻ lớn hơn, càng nên mạch lạc trong việc dạy con. Như với anh con trai 13 tuổi, bị mẹ phạt cắt xem tivi 1 tuần và sáng nay phạt thêm khoản không được mở điều hòa một ngày với tội “Con không biết giữ gìn vật dụng của mình được xài thì con sẽ không được dùng tới nữa” vì anh chàng thường xuyên quên tắt tivi, tắt máy lạnh khi ra khỏi phòng.

Mẹ sẽ lựa chọn thái độ nào với con trẻ để dạy trẻ nên người?
Chính các bà mẹ là người sẽ chọn lựa thái độ sống và tính cách cho con cái của mình. Từ các thói quen rất nhỏ hàng ngày, từ cách nhận biết, phân biệt đúng sai sẽ dẫn đến suy nghĩ, ứng xử, hành động, thói quen và tính cách của trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *