Vì sao nhiều nước phát triển cấm dùng xe tập đi cho trẻ ?

Xe tập đi là nguyên nhân gây tai nạn và tác hại nghiêm trọng cho bé mà gia đình không ngờ tới, cả về trước mắt lẫn về lâu dài. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển ở châu Âu đã cấm loại xe này.
 
Xe tập đi gây ra không ít tai nạn như chấn thương sọ não, sái tay, bỏng hoặc đa chấn thương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các tật khác của chân như chân yếu, biến dạng xương… Xe tập đi không được khuyến cáo dùng cho trẻ ở nhiều nước trên thế giới.

Nước đầu tiên ban bố lệnh cấm bán và dùng xe tập đi cho trẻ em là Canada. Bắt đầu từ ngày 07/04/2004 Bộ Y tế Canada ban hành lệnh cấm này trên toàn đất nước bao gồm việc cấm bán hàng tiếp thị, quảng cáo, nói quá về tác dụng của xe tập đi. Không những vậy, bất kỳ ai thực hiện việc buôn bán loại xe này, kể cả xe cũ cũng có thể bị kết án lên đến 10 triệu đô la Canada tiền phạt.

Tại Mỹ, mặc dù loại xe này không bị cấm nhưng Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội quyền lợi người tiêu dùng Mỹ cũng hy vọng chính phủ Mỹ sẽ cấm bán xe tập đi trên thị trường.

Xe tập đi tiềm ẩn những nguy cơ có hại như:

Dễ khiến trẻ gặp tai nạn: Thông thường, xe tập đi sẽ được thiết kế khung tròn có gắn bánh xe và khi trẻ được đặt ngồi trong xe, theo lực đẩy chân của trẻ, xe sẽ được di chuyển với tốc độ rất nhanh. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ tốc độ di chuyển của trẻ trong xe tập đi có thể lên tới 91cm/giây. Với tốc độ này thì việc một đứa trẻ mới chỉ 8 – 12 tháng tuổi hoặc trẻ mới học cách bước đi sẽ không thể kiểm soát được Vì vậy, chỉ cần cha mẹ hơi lơ là một chút hoặc trong quá trình di chuyển, có vật cản đường xe hoặc trẻ di chuyển tới cầu thang thì rất dễ sảy ra tai nạn.

Nguy hiểm hơn, khi trẻ ngồi trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã có xu hướng chúi đầu về trước, trẻ bị kẹt trong xe khi ngã nên chấn thương thường nặng hơn so với trẻ ngã tự do.

Ngay cả khi không gây tai nạn cấp cứu, xe tập đi cũng có tác hại nghiêm trọng cho cơ thể trẻ về lâu dài.Hệ xương của trẻ dưới 1 tuổi rất mềm yếu, chưa đủ cứng để chịu sức nặng của cơ thể nên dễ thay đổi theo tác động bên ngoài. Tư thế của bé khi đứng trong xe lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X.

Không những vậy, việc cho trẻ ngồi và tự ‘đứng’, ‘di chuyển’, ‘chịu trọng lực’ quá sớm là trái tự nhiên, phản khoa học. Điều này mang lại nguy hiểm tiềm tàng không chỉ về phát triển tâm thần vận động mà còn có thể gây tổn thương tích lũy lâu dài cho cột sống. Xe tập đi không giúp trẻ biết đi sớm mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ: Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ đã từng dùng xe tập đi hoàn thành không tốt các bài thử nghiệm tinh thần đơn giản. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng một đứa trẻ sử dụng xe tập đi thường có chỉ số kỹ năng nhận thức thấp hơn. Cứ mỗi 24 giờ sử dụng xe tập đi, trẻ sẽ chậm thêm 3,7 ngày để có thể tự đứng được, chậm thêm 3,3 ngày tự đi được mà không cần giúp đỡ. Có nghĩa là khi bé sử dụng xe tập đi càng nhiều, bố mẹ càng làm chậm bước phát triển vận động của con.

Một nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy trẻ dùng xe tập đi thường chậm biết bò, biết đứng và biết đi hơn so với những trẻ được phát triển một cách tự nhiên. Nguyên nhân là do trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ xương không phát triền như bình thường. Hệ thần kinh cũng bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi một cách hiệu quả.

Chúng ta đều biết trẻ lớn lên, phát triển trí não thông qua tiếp xúc từ tay, chân, vị giác, thị giác và thính giác, để tự do khám phá trẻ sẽ phát triển thông minh hơn, nhưng xe tập đi lại làm rối loạn khả năng tập đi và học nhìn bình thường, đồng thời cản trở việc tìm hiểu môi trường xung quanh của trẻ.

Nếu gia đình vẫn cho trẻ dùng xe tập đi cần lưu ý:

Luôn phải theo sát bởi trẻ có thể tự cho xe đi khắp nhà, dễ va đập hoặc tiếp xúc với các đồ vật có hại như ổ điện, bình nước, bếp…

Giới hạn không gian trong phòng, thiết lập đầy đủ các biện pháp an toàn để tránh xảy ra tai nạn.

Tránh để trẻ ngồi trong xe tập đi ở những chỗ dễ trơn trượt, đặc biệt không cho trẻ chơi ở các khu vực gần cầu thang để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trên thị trường hiện nay có loại xe bằng gỗ có thể tiện hơn xe bằng nhựa. Nhưng nếu đi loại xe này, trẻ vẫn có thể bị trật tay, ngã vập vào xe… vì vậy hết sức lưu ý và thận trọng, đồng thời không nên lạm dụng xe tập đi. Việc giám sát, dạy trẻ cách tập đi là điều vô cùng cần thiết của cha mẹ và gia đình.

(Theo Báo Mới) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *