Hướng dẫn cách chọn kem chống nắng và bảo việc da dưới ánh nắng mặt trời

Dùng kem chống nắng không có nghĩa là da sẽ không bị đen sạm khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng, kem chống nắng chỉ giúp làm giảm khả năng sạm da thôi. Nếu ta biết lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp và đúng cách thì sẽ có thể bảo vệ da tốt nhất, cũng như tránh da sạm rất nhiều.
Phụ nữ cần dùng kem chống nắng như là một “vũ khí phòng thân hiệu quả nhất” để chống lại các tác hại của ánh nắng (tia cực tím) chứ không phải lúc nào nhớ thì xài không thì thôi. Nhất là với chị em đang trị nám hoặc đang dùng các bộ sản phẩm chăm sóc làm trắng da, càng phải thủ ngay cho mình một chai kem chống nắng chuyên biệt, da mặt dùng riêng toàn thân dùng riêng mới có thể bảo vệ da hiệu quả và phòng chống các tác hại kinh khủng từ ánh nắng mà mắt thường hay trong thời gian ngắn ta chưa lường nổi hậu quả của chúng. 
Rất nhiều phụ nữ chẳng bao giờ thèm dùng kem chống nắng hàng ngày, họa hoằn lắm thì khi đi biển mới chịu dùng một ít, mà có dùng thì chỉ vì nghĩ là dùng để khỏi bắt nắng, ăn nắng vì “sợ đen da”. Điều này cực kì sai lầm luôn nha các nàng.
Thực sự tác dụng chính của kem chống nắng không phải là chống sạm da, và ở các nước tiên tiến kem chống nắng là sản phẩm làm đẹp không thể thiếu của phụ nữ, họ thà là chưa kịp make up chứ bằng mọi giá phải dưỡng da và thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà.
TẠI SAO KEM CHỐNG NẮNG LẠI QUAN TRỌNG NHƯ VẬY???
Vì ánh nắng mặt trời là tác nhận cực kì nguy hiểm gây ra tình trạng sạm da, nám da, tàn nhang, nhăn da, lão hóa sớm, ung thư da.

Nếu các mẹ đi chăm sóc da ở các trung tâm spa có uy tín, hay là mua mỹ phẩm chăm sóc da, làm trắng hay mịn da ở những nơi đáng tin cậy thì điều đầu tiên và cuối cùng họ đều gào lên là nhớ phải dùng kem chống nắng mỗi ngày, bất kể trời không có nắng đi nữa.

Vì thực tế là dù có chăm chút dưỡng da cỡ nào, dùng cả tấn sản phẩm hàng hiệu mà quên chống nắng thì coi như công sức tiền bạc bỏ sông bỏ biển tiêu luôn

PHẦN 1: TÌM HIỂU VỀ BẢN CHẤT VÀ TÁC HẠI CỦA ÁNH NẮNG

1. Tìm hiểu chung về bản chất ánh nắng
Ánh nắng mặt trời là nguồn phát ra tia tử ngoại (hay còn gọi là tia cực tím – tia UV). Loại tia này chính là tác nhân gây nên rất nhiều tác hại cho làn da. Mức tác hại của tia UV phụ thuộc vào cường độ ánh sáng, thời gian tiếp xúc với ánh sáng, và việc da có được bảo vệ hay không. Nếu không bảo vệ da khỏi tia nắng mặt trời, chỉ cần vài phút tiếp xúc mỗi ngày theo thời gian sẽ tạo ra những thay đổi đáng chú ý cho da. Tàn nhang, đồi mồi, gân máu, da thô, nếp nhăn, mất collagen, sừng hóa đều có nguyên nhân do ánh nắng mặt trời và chắc chắn một điều rằng ánh nắng mặt trời có thể gây ung thư da.

Cơ chế tác động cơ bản như sau: Khi ánh nắng mặt trời tác động đến các vùng da, ngay lập tức, các tế bào da sẽ phản ứng ngược lại bằng cách tăng sản sinh Melanin – sắc tố quyết định màu da. Melanin càng nhiều, da càng bị sậm đen.

Có 3 loại tia cực tím là UVA, UVB và UVC. Tia UVC có khả năng gây ung thư cao nhất nhưng bị tầng ô zôn hấp thụ và phản xạ nên không đến được mặt đất. Tuy nhiên hiện tại có nhiều nơi tầng ô zôn bị thủng hoặc bị mỏng thì nguy cơ từ UVC là rất lớn. 99% các loại kem chống nắng không có tác dụng chống UVC nên chỉ khi chọn kem chống nắng chỉ cần xem kỹ về các chỉ số UVA và UVB là đủ

2. UVA và UVB là gì?
UV (Ultra Violet), gọi chung là tia tử ngoại, gồm có A,B,C. Tia UV chiếu xuống đến mặt đất và hấp thu vào da người nhiều hơn cả là UVA và UVB. 95% tia nắng mặt trời là tia UVA.


UVA (Ultraviolet A : Tia cực tím bước sóng A): Tia UVA tác động đến phần sâu của da khiến da của chúng ta bị hình thành các nếp nhăn.
UVB (Ultraviolet B: Tia cực tím bước sóng B): Tia cực tím bước sóng B gây bỏng da và ung thư da.

Tia UVA không trực tiếp làm đen da như tia UVB nhưng còn độc hại hơn vì chúng phá hủy collagen và elastin, khiến da nhanh chóng bị lão hóa với những vết nám, sạm da và những nếp nhăn già cỗi, thậm chí về lâu dài sẽ gây ung thư da.

Tia UVA tồn tại ở tất cả các ngày trong năm và tác hại của tia không phụ thuộc vào độ cao, mùa hay thời tiết (phải nhớ kĩ điều này, kể cả trời râm thì trong đó vẫn đầy rẫy tia UVA) vì tia UVA xuyên qua mây, bê tông, kính cửa sổ, kính xe hơi, quần áo, bị phản chiếu bởi nước, cát… Do đó tia UVA tồn tại mọi lúc mọi nơi và gây ra các tổn thương sâu ở da. Nói tóm lại, khi nghĩ đến UVA, các bạn hãy nghĩ đến những vết nám, vết nhăn và sự lão hóa da.

Tia UVB tác động trực tiếp lên bề mặt da. Sở dĩ tia UVB chiếm tỉ lệ ít trong tia nắng chiếu xuống mặt đất vì đa số đã bị tầng ozon cản lại. Tầng ozon có tác dụng như một tấm lá chắn ngăn không cho tia UVB, UVC không cho xuống trái đất. Tuy nhiên với tác hại của việc nóng lên toàn cầu, chúng ta nghe nói đến hiện tượng “thủng” tầng ozon, thực chất là tầng ozon ở đó bị mỏng đi, đồng nghĩa với việc tia UVB sẽ được “thả rông” xuống bề mặt trái đất nhiều hơn, gây nguy hại hơn.

Tác hại của tia UVB thay đổi theo mùa, thời tiết, độ cao. Tác hại càng lớn vào mùa hè, trong khoảng thời gian có ánh nắng gay gắt nhất trong ngày ( từ 11h sáng đến 15h) và càng lên độ cao thì tác hại càng lớn. Tuy vậy, tia UVB không xuyên qua mây, kính nên không gây tổn thương da khi chúng ta ngồi trong bóng râm, ở trong nhà, trong xe hơi và vào những ngày mưa. Tia UVB gây tổn thương nông và cấp tính ở da: gây đỏ da, phỏng nắng, rám nắng.

Nếu để ý chị em sẽ thấy trước giờ các sản phẩm KCN đa số chỉ thể hiện chỉ số SPF – có nghĩa là chỉ có khả năng chống tia UVB mà thôi. Hay nói cách khác dùng các sản phẩm này các bạn chỉ được bảo vệ khỏi việc rám da, cháy da chứ còn khả năng chống lão hóa BẰNG KHÔNG.

3. Làm thế nào có thể tránh được các tác hại của tia UV?
Chúng ta vẫn có thể hưởng thụ được những phút thư giãn ở ngoài trời, nếu chúng ta thực hiện các biện pháp đơn giản sau đây:

+ Rút ngắn thời gian tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ngoài trời. Khi bạn ra khỏi nhà, hãy tự che chắn mình khỏi các tia UV bằng cách đội mũ, mang giày, mặc quần áo dài. Bảo vệ cặp mắt của bạn bằng cách đeo các loại kính có khả năng chắn tia UV.

+ Mang các loại màng chắn bức xạ mặt trời ở các phần da không được che phủ bởi quần áo và kem chống nắng. Nếu bạn đang mặc đồ tắm, nên hạn chế tiếp xúc với bức xạ mặt trời bằng cách ngồi trong bóng râm.

PHẦN 2 – TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI KEM CHỐNG NẮNG

1. Ý nghĩa của chỉ số SPF và PA trên kem chống nắng 
Chỉ số SPF thể hiện chỉ số chống tia UVB trong khi chỉ số PA thể hiện cường độ chống tia UVA. Như vậy có nghĩa là kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì khả năng ngăn chặn tia UVB càng lớn, tương tự với chỉ số PA.

SPF (Sun Protection Factor): thực tế chỉ số này có ý nghĩa là “bảo vệ khỏi nắng”, chứ không phải là “chống nắng”. Chỉ số này là định mức đo lường khoảng thời gian chống nắng tối đa của một sản phẩm chứ không phải là lượng chất chống nắng nhiều hay ít.

Chỉ số SPF có trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức quốc tế, thì 1 SPF sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Điều này đồng nghĩa với việc 1 loại kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ hoạt động hiệu quả trong vòng 150 phút, còn SPF 50 là 500 phút.

Lưu ý đây là khoảng thời gian chống nắng tối đa của sản phẩm nếu bạn thoa đúng độ dày 0,2mm kem lên da và cũng là cách tính lý thuyết thôi nhé. Trong thực tế kem chống nắng có thể bị trôi đi và giảm tác dụng do tác động của mồ hôi, dầu nhờn tiết ra trong các hoạt động hàng ngày. Do đó khi ở những môi trường tiếp xúc nhiều với ánh nắng hoặc vận động nhiều thì cần thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2-3 giờ, nhất là khi dùng suncream – kem chống nắng hóa học (sẽ nói rõ hơn bên dưới).

Mặc dù số SPF càng cao thì càng bảo vệ được người sử dụng, nhưng rất ít người biết rằng sự khác biệt giữa những chỉ số này là không cao: SPF 15 ngăn chặn được khoảng 92% tia UVB, SPF 30 chặn được 95% trong khi SPF 50 ngăn chặn được khoảng 98% tia UVB.

Chỉ số PA thì được đánh giá theo bậc thang +. Theo đó, PA+ có nghĩa là cường độ chống tia UVA của sản phẩm cao gấp 2 lần, PA++ nghĩa là cao gấp 4 lần, PA+++ cao gấp 8 lần…

PA+ Bảo vệ khỏi tia UVA (40-50%)
PA++ Bảo vệ khỏi tia UVA cao (60-70%)
PA+++ Bảo vệ khỏi tia UVA cực tốt (90%)
PA++++ Bảo vệ khỏi tia UVA gần như hoàn hảo (trên 95%)


Thông thường khi chỉ số SPF càng cao và PA dấu + càng nhiều thì cấp độ bảo vệ da dưới ánh nắng càng hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng sản phẩm kem chống nắng hàng ngày có chỉ số SPF quá cao và PA+ sẽ dễ làm khô da hơn, do đó nếu sử dụng chống nắng với chỉ số bảo vệ cao SPF trên 35 và PA+++ trở lên thì nên chọn các loại có bổ sung thành phần dưỡng da.
Một lời khuyên nữa cho các bạn là sử dụng hàng ngày thì nên dùng KCN có chỉ số SPF tầm 20-35 và PA+++, khi đi biển, dã ngoại, sinh hoạt ngoài trời nên dùng KCN có chỉ số SPF 50 và PA++++

2. Các dạng kem chống nắng phổ biến
Hiện nay trên thị trường làm đẹp có rất nhiều sản phẩm chống nắng với nhiều dạng khác nhau, 3 loại phổ biển nhất đó là:
– Dạng kem (cream): đây là hình thức phổ biến nhất, ưu điểm dễ kiểm soát lượng kem chống nắng cần dùng
– Dạng sữa: đúng như tên gọi, dạng này lỏng như sữa nên thoa lên mặt rất thích, mỏng nhẹ
– Dạng xịt (Spray): ưu điểm là nhanh, và có thể dùng để xịt lên da trong trường hợp bạn đã make up rồi nhưng cần thoa thêm kem chống nắng, không sợ bị làm trôi lớp make up như các loại kia, tuy nhiên do xịt nên khó kiểm soát lượng sản phẩm có được phủ đều trên da chưa.

3. Cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả:
Mặc dù số SPF càng cao thì càng bảo vệ được người sử dụng, tuy nhiên tác dụng này không ổn định do bụi, mồ hôi, quần áo và nước cũng như việc sử dụng đúng cách của người sử dụng. Do đó, thời gian bảo vệ da bạn khỏi nắng thực tế của các sản phẩm này chỉ bằng khoảng 50-60% thời gian trên lý thuyết.

Do đó, để đạt hiệu quả tối ưu, bạn cần thực hiện đủ các lưu ý sau đây:
1. Thoa kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài (thoa rồi ra nắng liền là kem chưa phát huy được tác dụng đâu nha). Với Sunblock thì vô tư thoa xong rồi có thể lao ra ngoài ngay
2. Thoa đúng độ dày 0,2mm kem lên da để kem chống nắng có tác dụng bảo vệ tối ưu (đây là con số nghiên cứu, thực tế rất khó để xác định độ dày này, cho nên để đảm bảo hiệu quả các bạn nên thoa thêm 1 lớp kem chống nắng, thoa mỏng quá sẽ ko có nhiều hiệu quả)
3. Trường hợp bạn phải ở ngoài nắng nhiều: vd đi du lịch, tắm biển, chạy xe ngoài nắng v.v.. thì phải nhớ thoa lại kem chống nắng cứ sau mỗi 2 tiếng đồng hồ vì trong quá trình vận động và ra mồ hôi thì lớp kem chống nắng đã thoa của bạn sẽ bị mất đi ít nhiều. Đặc biệt khi đi bơi, đi biển thì nên dùng loại kem chống nắng có khả năng chống thấm nước (waterproof)

Tóm tắt lại các điều cần lưu ý:
– Dùng kem chống nắng không có nghĩa là da sẽ không bị đen sạm khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng, kem chống nắng chỉ giúp làm giảm khả năng sạm đi của da thôi. Nếu ta biết lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp và đúng cách thì sẽ có thể bảo vệ da tốt nhất, cũng như tránh da sạm đi nhiều
– Dù trời mát cũng nên thoa kem chống nắng vì các tia không thấy bằng mắt thường.
– Nên dùng thêm kem dưỡng ẩm khi sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da không bị mất nước.
– kem chống nắng có chỉ số SPF tầm 20-35 và PA từ ++ tới +++ thích hợp dùng hàng ngày kem chống nắng có chỉ số SPF 50 và PA++++ nên dùng khi đi biển, dã ngoại, sinh hoạt ngoài trời.
– Để phát huy hiệu quả tốt nhất của kem chống nắng, nên thoa thêm 1 lớp kem chống nắng sau mỗi 2-3 tiếng ở ngoài trời
– Dù là chỉ dùng kem chống nắng mà không make up thì cuối ngày cũng phải dùng dung dịch tẩy trang để tẩy sạch.