Cảnh báo: Ho gà có nguy cơ bùng phát thành dịch – Biểu hiện, cách phòng và chăm sóc trẻ bị ho gà

Căn bệnh có thể gây tử vong ở trẻ này đang trở lại và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Người dân cần trang bị những kiến thức để phòng, chống bệnh ho gà, tránh bệnh lây lan bùng phát thành dịch, đặc biệt với những gia đình có con nhỏ. 

Ho gà có nguy cơ bùng phát thành dịch

Gia tăng số ca mắc ho gà, nguy cơ bùng phát thành dịch

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người bị tử vong, đa số là trẻ em dưới 1 tuổi và ở các nước chậm phát triển. tại Việt Nam, ho gà là bệnh được chủng ngừa ngay khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, bệnh cũng đã từng được khống chế trong những năm trước đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ho gà đang trở lại với sự xuất hiện nhiều ca bệnh một cách bất thường.

Theo thống kê từ viện Pasteur TP.HCM, đến 10h sáng ngày 3/4, số ca ho gà được phát hiện ở phía nam là 38 ca, trong đó có 1 ca ho gà lâm sàng và 37 ca được chẩn đoán xác định phòng thí nghiệm.

Có 15/20 tỉnh đã ghi nhận ca bệnh, nhiều nhất ở TP.HCM (9 ca) và Đồng Nai (6 ca). Tuy nhiên, Bình Phước và Lâm Đồng có tỷ lệ mắc ho gà/100.000 dân cao nhất (lần lượt là 0.41 và 0.30). Các địa phương khác ghi nhận số ca bệnh và tỷ lệ mắc/100.000 dân thấp. Số ca mắc rải rác, chưa ghi nhận ổ dịch.

Gần đây, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã liên tục tiếp nhận các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà vào nhập viện. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Các bác sĩ cũng cho biết, đáng lưu ý, ghi nhận các trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc xin (theo chỉ định, trẻ tiêm vắc xin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi). Trong khi đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc ho gà dễ bị biến chứng nặng.

Chia sẻ trên Báo Lao Động, PGS BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, 3 tháng gần đây, số mắc ho gà vào bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Thống kê trong 2015 cho thấy có 56,5% trẻ mắc ho gà dưới ba tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao. Riêng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 39 ca ho gà nhập viện tại bệnh viện này.

Khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Điều đáng lo ngại là trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan, tự mua thuốc về chữa cho con, đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch.

Điều đáng báo động đây là dịch bệnh đã được nước ta không chế từ nhiều năm trước đây nhưng theo các chuyên gia thì dịch bệnh này đã quay trở lại và người dân cần đề phòng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.

Theo Cục Y tế Dự phòngho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Ban đầu trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

gia tang so ca mac benh ho ga lam sao de phong tranh

Điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Phân biệt ho gà với ho thông thường – Cách phòng bệnh và chăm sóc trẻ bị ho gà 

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Ho gà khiến cơ thể bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh, bệnh thường nặng do sức đề kháng của trẻ còn yếu, chưa đủ sức để chống lại bệnh. Bệnh gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như: viêm não, viêm phổi, thiếu oxy não, xuất huyết kết mạc nếu không chữa trị kịp thời …

 

Biểu hiện của bệnh ho gà:

  • Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ.
  • Giai đoạn kịch phát:

+ Cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ.

+ Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt bình thường. Ngoài ra trong giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.

  • Giai đoạn hồi phục: Cơn ho ngắn lại, số cơn giảm. Ho còn có thể tồn tại trong vài tuần

Các yếu tố tiên lượng bệnh của trẻ nặng?

Trẻ bị ho gà có kèm theo 1 trong các yếu tố sau tiên lượng bệnh của trẻ sẽ là nặng:

  • Trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng
  • Ăn uống kém, nôn nhiều.
  • Cơn ngừng thở kéo dài.
  • Co giật
  • Viêm phổi

Trẻ bị bệnh ho gà có thể chăm sóc tại nhà được không?

Với những trẻ mắc ho gà thể nhẹ: Số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt, những trường hợp này mẹ có thể chăm sóc tại nhà.

  • Đảm bảo môi trường sống tránh chất kích thích như: khói thuốc lá, bụi, hóa chất.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích.
  • Với trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.
  • Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối
  • Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh
  • Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?

Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài
  • Ăn kém, nôn chớ nhiều
  • Ngủ ít
  • Thở nhanh/ khó thở

Phòng bệnh ho gà cho trẻ bằng cách nào?

– Tiêm phòng: Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.

– Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng. Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

Các bậc cha mẹ nên tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin phòng bệnh ho gà

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b – Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.

Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Thông tin tham khảo:
– Ưu đãi thai kỳ và mẹ cho con bú, mẹ khỏe con đủ chất 

– Bổ sung nguồn kháng thể và dinh dưỡng vàng cho trẻ từ sữa non giúp trẻ khỏe hơn tăng cân tốt
– 
Bí quyết của người mẹ trẻ giúp con không còn bị viêm họng, viêm phế quản
– 3 Cách cải thiện ngay khi trẻ bú kém, chậm tăng cân, đứng cân
– Cách cải thiện nôn trớ, tiêu chảy, biếng ăn ở trẻ được Bác Sĩ chuyên khoa sản nhi lựa chọn.
– Nhận biết 8 dấu hiệu và 3 giai đoạn còi xương ở trẻ.
– Quá bất ngờ: Bé Thanh Trúc đã tăng gần 10kg và cao thêm 21cm sau hơn 1 năm; bé Anh Tú tăng 2kg và cao thêm 7cm chỉ sau 2 tháng