Trẻ sốt đột ngột, cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát – Phân biệt sốt virus, sốt xuất huyết và sốt thường

Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ sốt tăng cao. Các mẹ cần hết sức cẩn thận khi con bị sốt, hãy nghĩ đến khả năng con có thể bị sốt xuất huyết, hãy đọc kĩ bài bên dưới để biết con mình có phải bị sốt xuất huyết hay không? Nhận biết sớm các dấu hiệu của sốt xuất huyết sẽ tránh được nguy cơ trẻ bị biến chứng nặng.

Cảnh giác với những trẻ sốt đột ngột

Theo BS CKII Nguyễn Thái Minh (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa) cho biết, ở người thường, khỏe mạnh khi bị SXH thường 5-7 ngày không có biến chứng gì xảy ra, còn với trẻ nhỏ hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu trẻ biểu hiện SXH nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa, để các bác sĩ có những nhận định chuẩn xác về bệnh.

Một dấu hiệu sớm để phát hiện bệnh SXH là khi trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc hạ sốt có đỡ sốt nhưng sau đó sốt trở lại, sốt liên tục không hạ. Đặc biệt trong 2 ngày đầu trẻ sốt có thể kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen.

Trẻ sốt đột ngột, cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát - Ảnh 1.

Sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước

Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa. Nếu thấy những dấu hiệu trên, bố mẹ cần phải cho trẻ đi khám để được chẩn đoán xem trẻ có bị sốt xuất huyết không.

Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt bằng lau nước ấm cho trẻ tại nhà ở vùng nách, vùng bẹn. Đặc biệt, cho trẻ uống nhiều nước và các nước điện giải để tránh trường hợp mất nước cho trẻ. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước Oresol, nước cam vắt, nước chanh đường, hạ sốt với thuốc Paracetamol.

Còn khi thấy trẻ sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng thì phải nhập viện để tránh diễn biến xấu. Đặc biệt, với những trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu… thì cần nhập viện cấp cứu ngay dù là đang trong đêm, không nên đợi đến sáng. Vì nếu chậm trễ thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Trẻ sốt đột ngột, cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát - Ảnh 2.

Một bệnh nhân nhi mắc SXH đang được điều trị tại BVĐK Đống Đa.

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc SXH

Theo BS CKII Nguyễn Thái Minh, trẻ mắc SXH thường sốt liên tục và kéo dài nên nhiều bà mẹ do sốt ruột đã tự ý cho dùng thuốc hạ sốt quá 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa…

Một số bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Việc này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật.

Thay vào đó các mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nên tránh các thức ăn, thức uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.

Đặc biệt nhiều trường hợp khi mới thấy con hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh SXH do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều thì cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không cho trẻ bị sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì đã có không ít trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống trẻ.

Cách tốt nhất để trẻ không mắc bệnh SXH

Trẻ sốt đột ngột, cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát - Ảnh 3.

Để phòng ngừa bệnh nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn kể cả ban ngày 

Theo BS CKII Nguyễn Thái Minh, đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hiệu quả, chưa có vắc xin ngừa bệnh SXH. Thủ phạm chính gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, thường sống trong nhà, đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước, vì vậy trẻ có thể bị muỗi chích vào ban ngày hoặc xẩm tối. Để phòng ngừa bệnh nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn kể cả ban ngày.

Các mẹ nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ; đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy). Đồng thời dọn dẹp vệ sinh môi trường sống. Chính việc làm này sẽ giúp trẻ trách xa bệnh SXH đang có những biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt virus, sốt xuất huyết và sốt thường

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiều người không biết phân biệt thế nào là sốt/sốt virus/sốt xuất huyết nên tự ý điều trị, để lại biến chứng nặng nề.

Sốt

Sốt là khi có sự tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời do phản ứng lại với bệnh. Nhiệt độ cơ thể không bằng nhau ở các thời điểm trong ngày, thường là cao hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nhiệt độ vượt quá 37.5 oC là bị sốt.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết - 1

 

ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Sốt cũng thường xảy ra khi cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm khuẩn như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, vi khuẩn viêm họng, viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật.

Những yếu tố ngoại lai như môi trường (cảm  nắng, cảm lạnh, thuốc hoặc hóa chất, nhiễm trùng (vi khuẩn, virus) cũng có thể gây sốt.

Sốt virus

Sốt virus do nhiều căn nguyên virus gây ra. Sốt virus rất đa dạng vì có tới hàng ngàn loại virus khác nhau.

Chẳng hạn: Virus gây sốt xuất huyết (dengue) là 1 loại virus lây truyền qua muỗi vằn đốt. Sau khi bị muỗi đốt truyền virus thường 4-7 ngày, người bệnh sẽ bị sốt dengue

Virus dengue có 4 type: DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Nếu một người bị nhiễm lần đầu với 1 type nào đó, thường bệnh sẽ diễn biến khá nhẹ: Người bệnh sốt, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi vài ngày rồi tự hết. Nhưng nếu họ bị nhiễm các lần sau bởi bất kỳ type nào còn lại thì cơ thể sẽ phản ứng mãnh liệt hơn và gây bệnh sốt xuất huyết.

Dấu hiệu trẻ bị sốt virus:

Thường là sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, đi kèm 1 số dấu hiệu khác như:

Đau cơ bắp: Khi sốt virus, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; ở trẻ nhỏ thì hay quấy khóc, đau đầu; tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được. Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2 – 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn). Kèm theo các dấu hiệu khác như trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dỉ mắt,… khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.

Một số trẻ nhỏ bị sốt cao còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở.

Dấu hiệu sốt virus ở người lớn

Mệt mỏi: Đây là một trong những triệu chứng đặc hiệu nhất của sốt virus ở người lớn.

Đau người: Do mệt mỏi và tăng thân nhiệt, những người bị sốt vi-rút bắt đầu bị đau người, đặc biệt là đau các cơ.

Bác sĩ mách cách cực hay phân biệt sốt/sốt virus/sốt xuất huyết - 3

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện.

Sốt: Đây là một trong những triệu chứng nổi bật nhất của sốt virus ở người lớn. Khi nhiệt độ tăng cao là tình trạng nhiễm trùng nặng. Có khả năng sốt lên tới 40oC.

Ho và chảy nước mũi: Vì nhiễm trùng gây ra cảm giác run lạnh, bệnh nhân bị ho và chảy nước mũi.

Nghẹt mũi: Đây là tình trạng đi kèm sau ho và sổ mũi, gây khó thở.

Nhức đầu: Đây là ảnh hưởng đến sau sốt và đau cơ thể.

Phát ban da: Vì sốt virus gây ra bởi virus, tình trạng phát ban da sẽ khá phổ biến.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt cao, thường trong 3 ngày đầu. BN sốt cao liên tục, đau đầu, nhức vùng hốc mắt, đau mỏi các cơ khớp, đau tức thắt lưng. Các dấu hiệu này cũng giống như biểu hiện khi nhiễm nhiều loại virus khác nên chỉ có thể phân biệt nhờ xét nghiệm.

Giai đoạn diễn biến nặng, thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Bệnh nhân lui sốt dần nhưng lại có thể xuất hiện các biến chứng nặng:

Biến chứng tăng tính thấm thành mạch, gây thoát dịch khỏi mạch máu, làm máu trong lòng mạch cô đặc lại. Nếu không được bù dịch kíp thời sẽ làm  thiếu thể tích trong lòng mạch, gây tụt huyết áp và sốc. Những trường hợp sốc nếu không được xử trí kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài giờ.

Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu. Nếu nặng có thể gây các chảy máu bất thường như Xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hoặc các xuất huyết nội tạng nguy hiểm như: Chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng hay băng kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời.

Ngoài hai biến chứng thường gặp trên, người bệnh có thể có các biến chứng hiếm gặp hơn như: Viêm não, viêm cơ tim, hạ bach cầu máu và giảm miễn dịch gây bội nhiễm vi khuẩn , vv…

Giai đoạn hồi phục: Thường sau giai đoạn thoát dịch 24-48h: BN hết sốt, phần dịch thoát ra khỏi lòng mạch lại tái hấp thu lại làm gia tăng lượng dịch trong lòng mạch. Giai đoạn này cần hạn chế truyề dịch để tránh nguy cơ quá tải dịch.

Như vậy, với sốt xuất huyết, trong giai đoạn sốt cao, chỉ có thể phân biệt với các sốt virus khác nhờ xét nghiệm sớm. Còn sang các giai đoạn sau thì phân biệt nhờ xét nghiệm và diễn biến bệnh.

Điều đáng lưu ý là với sốt virus thông thường, khi lui sốt là bệnh đã lui. Còn với sốt xuất huyết thì khi lui sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng này để xử trí kịp thời.

Người bệnh cũng cần lưu ý, khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo sau phải đến cơ sở y tế ngay:

Sau 3-4 ngày vẫn sốt cao liên tục

–        Mệt lả

–        Nôn, buồn nôn nhiều

–        Vật vã hoặc li bì

–        Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan

–        Tiểu ít

–        Có các chảy máu bất thường: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen…

(Tổng hợp theo Dân Việt và Trí thức trẻ) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *