Suy dinh dưỡng bào thai – thể suy dinh dưỡng sớm nhất ở trẻ

Người ta coi những trẻ sinh đủ tháng có cân nặng lúc đẻ dưới 2.500g là những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. Về nguyên nhân, thường do trong thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lí hoặc bị ốm đau bệnh tật.

Thường các bà mẹ có mức tăng cân ở cuối thai kì thấp, dưới 6kg, chắc chắn là bào thai đã bị suy dinh dưỡng, khi sinh ra cân nặng của trẻ sẽ rất thấp.

Hậu quả nghiêm trọng của suy dinh dưỡng bào thai

Suy dinh dưỡng bào thai là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Ở những trẻ này, các cơ quan như da, cơ, xương, não, gan, thận… đều bị ảnh hưởng mà điều dễ nhận thấy nhất là trẻ sinh ra nhẹ cân. Hậu quả của tình trạng này tùy thuộc vào giai đoạn bào thai bị suy dinh dưỡng, chế độ nuôi dưỡng trẻ sau khi chào đời. Suy dinh dưỡng xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kì làm cho bộ não chậm phát triển, sau này trẻ sẽ kém thông minh. Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khi chào đời dễ bị hạ thân nhiệt, hạ đường máu gây rối loạn nhịp thở, hạ canxi máu gây co giật. Nếu được nuôi dưỡng đúng, trẻ sẽ phát triển bình thường và đạt mức cân nặng như những trẻ khác sau 2-3 tháng. Ngược lại, nuôi dưỡng không tốt, trẻ tiếp tục bị suy dinh dưỡng, trẻ ốm đau, quặt quẹo, còi cọc, chậm phát triển trí tuệ, kém thông minh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 1/3 số trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.500g bị chết trong năm đầu đời.

Trẻ suy dinh dưỡng bào thai là những trẻ chậm phát triển trong tử cung, khi sinh đủ tháng có cân nặng dưới 2,5kg (Ảnh minh họa internet)

Những trẻ bị chậm phát triển trong tử cung đã phải chịu stress kéo dài khi nằm trong bụng mẹ và phải chịu đựng tình trạng thiếu oxy trong lúc sinh. Do đó, nguy cơ suy thai và sinh ngạt sẽ rất lớn.

Suy thai cấp và ngạt: Trẻ cần được hồi sức ngay tại phòng sinh.

Tử vong chu sinh: Tăng 5-20 lần so với trẻ bình thường. Trẻ thường bị tử vong trước sinh ở tuần 38-41 của thai kỳ do thiếu oxy kéo dài hoặc ngạt khi mới sinh do thiếu máu, hít phân su, tồn tại tuần hoàn bào thai và suy đa cơ quan.

Tần suất tử vong sơ sinh ở trẻ chậm phát triển trong tử cung cao hơn 5-10 lần so với trẻ bình thường. Tình trạng này thường liên quan đến ngạt, rối loạn chuyển hóa và huyết học.

Ở giai đoạn đầu, các trẻ thường có rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ canxi huyết, nhất là trẻ có suy thai lúc sinh. Ngoài ra, trẻ còn dễ gặp các rối loạn huyết học như đa hồng cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và đôi khi rối loạn đông máu.

Trẻ cần lượng dinh dưỡng nhiều hơn so với trẻ bình thường, cần tăng khẩu phần ăn. Tuy nhiên, sự dung nạp thức ăn của chúng lại kém hơn trẻ bình thường cùng tuổi thai. Vì vậy, việc cho ăn và tăng lượng thức ăn qua đường tiêu hóa cần thận trọng vì ruột rất yếu (là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên do thiếu oxy trong giai đoạn bào thai).

Phần lớn trẻ suy dinh dưỡng từ thời kỳ bào thai (90-95%) phát triển tốt và theo kịp trẻ bình thường trong vòng 2 năm. Một tỷ lệ nhỏ không theo kịp và cần điều trị hormone tăng trưởng. Trẻ càng ít cân thì nguy cơ không bắt kịp càng cao.

Những trẻ suy dinh dưỡng bào thai nặng gây ảnh hưởng đến vòng đầu thường có tiên lượng xấu về thần kinh. Những trẻ nhẹ hơn nhìn chung không kém mấy so với bạn cùng tuổi thai. Các khác biệt chính là sự năng động, hành vi và sự tập trung. Chúng có thể học kém hơn.

Nhận biết thai nhi suy dinh dưỡng

Thai bị suy dinh dưỡng không có các triệu chứng rõ rệt trên cơ thể người mẹ, do đó khó chẩn đoán. Khi khám thai, người nữ hộ sinh thường chỉ thấy bụng bà mẹ nhỏ, chiều cao dạ con phát triển không phù hợp với tuổi thai.

Ví dụ một thai đủ tháng, chiều cao dạ con đo từ xương mu trở lên phía rốn ít nhất cũng phải bằng hoặc lớn hơn 30cm nhưng nếu khi khám chỉ đo được 26-27cm thì phải nghĩ đến thai bị suy dinh dưỡng. Mỗi tuổi thai có một chiều cao dạ con tương ứng với nó, ví dụ khi chiều cao dạ con 28cm ở người có thai khoảng 8 tháng (33-34 tuần) là bình thường, nhưng nếu là ở người có thai đủ tháng thì là thai suy dinh dưỡng.

Vì thế các bà mẹ luôn phải nhớ đúng ngày có kinh lần cuối trước khi có thai của mình để từ đó thầy thuốc tính được tuổi thai một cách chính xác. Ở các chuyên khoa sản, người ta có thể dùng các máy hiện đại (siêu âm) để giúp chẩn đoán và theo dõi tuổi thai và sự phát triển của thai. Tuy nhiên các dấu hiệu dạ con nhỏ, chiều cao dạ con thấp so với tuổi thai vẫn là dấu hiệu chính để phát hiện, chẩn đoán thai suy dinh dưỡng.

Xác định tình trạng bào thai suy dinh dưỡng, chậm phát triển trong tử cung

Khám thai và siêu âm có thể xác định sớm tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, thai chậm phát triển trong tử cung (Ảnh minh họa internet)

Đánh giá sự phát triển của bào thai trong tử cung là yếu tố cơ bản để xác định tình trạng của bào thai. Sự phát triển này phụ thuộc vào yếu tố di truyền và môi trường (như tình trạng sức khỏe của mẹ, sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai).

Khám thai và siêu âm có thể xác định sớm tình trạng chậm phát triển trong tử cung. Trên lâm sàng, chứng này gồm 2 loại: tương xứng và không tương xứng. Nếu thai chậm phát triển ở mức trung bình, chỉ bị giảm cân nặng thì được gọi là không tương xứng. Trong trường hợp này, chỉ số cân nặng sẽ thấp. Nguyên nhân thường chỉ do giảm sự cung cấp oxy và dinh dưỡng từ mẹ. Đây có thể là hậu quả của suy nhau thai, mẹ nghiện thuốc lá, mẹ bị bệnh hoặc suy dinh dưỡng.

Tình trạng chậm phát triển nặng không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng mà còn làm giảm chiều cao và vòng đầu của trẻ, gọi là RCIU tương xứng. Nguyên nhân thường là sự bất thường nhiễm sắc thể, bệnh lý bẩm sinh nghiêm trọng (nhiễm virus…) hoặc suy nhau thai kéo dài.

Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai

Với những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có tầm quan trọng đặc biệt:

– Cần ủ ấm trẻ thường xuyên, tốt nhất theo kiểu chuột túi.

– Theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử trí kịp thời khi có dấu hiệu trẻ bị hạ thân nhiệt hay hạ đường máu, hạ canxi máu.

– Tắm rửa bằng nước sạch, thay băng rốn hằng ngày.

– Cho trẻ bú mẹ sớm, trong nửa giờ đầu sau khi lọt lòng mẹ; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu đời, cho trẻ bú nhiều lần (kể cả ban đêm) hơn những trẻ có cân nặng bình thường. Nếu trẻ bú kém, cần vắt sữa mẹ ra cốc rồi cho ăn bằng thìa.

– Chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ được 5 tháng tuổi, phải bảo đảm khẩu phần của trẻ có đủ dinh dưỡng cả về lượng và chất.

– Cho trẻ uống vitamin A, vitamin D và tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ theo quy định của y tế.

Để chủ động phòng ngừa suy dinh dưỡng bào thai, cần có kế hoạch chăm sóc bà mẹ tương lai ngay từ khi còn nhỏ, không để các em gái bị suy dinh dưỡng, thấp cân, còi cọc. Khi mang thai, cần được ưu tiên ăn uống đầy đủ, làm việc, nghỉ ngơi hợp lí để có thể đạt mức tăng cân nặng trung bình đến cuối thai kì là 10- 12kg; không để ốm đau, thiếu máu trước và sau khi sinh. Trong thai kỳ, khi thai nhi có dấu hiệu nhẹ ký, chậm phát triển, mẹ cần áp dụng các cách giúp tăng cân cấp tốc cho thai nhi để trẻ theo kịp các chỉ số như trẻ bình thường.

(Tổng hợp từ Sức Khỏe Đời Sống, Giadinh.net.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *